Bộ óc chỉ huy chiến lược của quân đội phát xít Đức


Bộ óc chỉ huy chiến lược của quân đội phát xít Đức - 1

Quân Đồng minh luôn dè chừng với mọi quyết định tấn công của Manstein.

Eric von Manstein sinh năm 1887 trong một gia đình Phổ làm quân nhân nhiều đời. Quan điểm điều binh của Manstein là lấy tính đơn giản, hiệu quả và sự tôn trọng của binh lính với chỉ huy làm trọng. Theo Thống chế Carver, người được xem là có bộ óc tài ba nhất của quân đội Anh, Manstein là một người “có đầy đủ sức mạnh của một tướng tài, sẵn sàng phản đối mọi ý kiến sai trái, dù đó là từ Quốc trưởng Hitler”.

Được thăng chức lên hàm thống chế ở tuổi 54 sau khi quân đoàn 11 của ông chiến thắng trong chiến dịch Crimea năm 1942, Eric von Manstein là một nhân vật quan trọng ở mặt trận phía Đông của Đức quốc xã.

Sử gia Mungo Melvin, tác giả cuốn sách tiểu sử viết về Manstein, nói: “Không có tướng nào phục vụ Hitler tốt như Manstein và cũng không có ai dám phản bác các quyết định của Quốc trưởng nhiều như Thống chế Manstein”.

Sử gia Melvin viết: “Ông ấy có tài thao lược như Rommel hay Patton nhưng luôn nhìn được bức tranh tổng thể”.

Tiêu diệt Ba Lan trong 5 tuần

Bộ óc chỉ huy chiến lược của quân đội phát xít Đức - 2

Bộ óc chỉ huy tài tình nhất của quân đội Đức - Eric von Manstein.

Thế chiến II sản sinh nhiều vị tướng lỗi lạc ở cả hai bên, phe Trục và Đồng minh. Cuộc đời họ với nhiều nét li kì, những thành công vang dội và cả những sai lầm đau đớn... sẽ được điểm lại trong loạt bài này.

Ngày 18.8.1939, Manstein được chỉ định làm Tham mưu trưởng Cụm Tập đoàn quân Nam do đại tướng Gerd von Rundstedt chỉ huy. Ông đã phác thảo kế hoạch tác chiến mang tên Fall Weiss (Kế hoạch trắng). Kế hoạch của Manstein là đánh thẳng vào lực lượng tập trung đông đảo quân Ba Lan ở phía tây sông Vistula do Thượng tướng pháo binh Walther von Reichenau chỉ huy. Hai cánh quân khác sẽ hỗ trợ thượng tướng Walther tấn công thủ đô Warsaw.

Dù lên kế hoạch cho trận chiến Ba Lan nhưng Manstein vẫn không mặn mà lắm vì ông nghĩ rằng nơi đây chỉ đáng làm vùng đệm giữa Đức và Liên Xô. Điều ông lo sợ hơn là quân Đồng minh tấn công tường thành phía tây và khi đó, Đức sẽ phải đối mặt hai trận chiến lớn.

Chiến dịch công phá Ba Lan ngày 1.9.1939 nhanh chóng thu được thắng lợi. Quân Ba Lan không có thời gian lập tuyến phòng thủ mới bởi kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của quân Đức. Sự nhanh nhẹn của quân Đức khiến 9 sư đoàn bộ binh đối phương thảm bại và thua trong trận Bzura lớn nhất tại Ba Lan.

Sau 5 tuần tấn công, chiến dịch chấm dứt vào ngày 6.10 và Ba Lan đầu hàng Đức vô điều kiện. Đại tướng Rundstedt được điều sang làm chỉ huy Cụm Tập đoàn quân A và Manstein tiếp tục giữ chức tham mưu trưởng cho đại tướng này.

Đánh nhau với quân Liên Xô

Tháng 6.1941, Đức bất ngờ tiến công Liên Xô trong chiến dịch Barbarossa, bất chấp thỏa thuận không tấn công lẫn nhau kí giữa hai bên. Quân đội phát xít Đức và chư hầu huy động 190 sư đoàn (trong đó gồm 152 sư đoàn Đức, 38 sư đoàn các nước gồm Ý, Romania, Bulgaria, Hungary, Phần Lan, Slovakia, Croatia, Vichy Pháp) với tổng quân số trên 4 triệu người (3,3 triệu quân Đức và 750.000 quân các nước khác), tập trung dọc theo 2.900 km biên giới từ bờ biển Baltic phía Bắc đến bờ biển Đen phía nam.

Một số lượng khổng lồ phương tiện chiến tranh được triển khai gồm khoảng 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 3.400 xe thiết giáp, 600.000 xe cơ giới các loại, 47.000 pháo và súng cối, 4.940 máy bay các loại và khoảng 300 tàu chiến (trong đó có 105 tàu khu trục, 86 tàu ngầm các loại), với mục tiêu chiếm Moscow trước cuối năm.

Manstein có mặt ở biên giới Liên Xô trước 6 ngày và chỉ mất 100 tiếng đồng hồ, Quân đoàn Thiếp giáp LVI  do ông chỉ huy đã thọc sâu 350 km vào lãnh thổ Xô Viết, gần sông Dvina. Trong vài tuần kế tiếp, quân của ông đánh nhiều trận đẫm máu với các đơn vị Hồng quân chốt giữ con đường chính đi Luga và Leningrad. Bộ Tư lệnh Tối cao Đức rút Sư Thiết giáp số 8 khỏi biên chế Quân đoàn Thiết giáp LVI và "bù" cho Manstein Sư đoàn Hiến binh SS số 4.

Tháng 9.1941, Manstein được bổ nhiệm chức Tư lệnh Tập đoàn quân số 11 sau khi tư lệnh cũ chết vì trúng mìn. Hitler ra lệnh Manstein chinh phục bán đảo Crimea và thành phố cảng Sevastopol nhằm ngăn chặn Hồng quân chiếm căn cứ không quân ở đây.

Với lực lượng nòng cốt là bộ binh, Tập đoàn quân số 11 nhanh chóng đè bẹp Liên Xô và làm chủ được eo đất Perekop trong nửa đầu tháng 10. Sau chiến thắng, Bộ Tư lệnh Tối cao Đức rút biên chế Tập đoàn quân số 11 xuống còn 6 sư đoàn. Ngày 26.12, Nga đổ bộ lên eo biển Kerch nhằm chiếm giữ bán đảo cùng tên. Nhiệm vụ của Manstein lúc này chuyển sang tiêu diệt Hồng quân Liên Xô ở bán đảo Kerch.

Do ít hơn về quân số, Manstein đánh nghi binh ở phía bắc trong khi quân chủ lực tấn công miền nam. Nhờ vậy, quân Liên Xô tan rã và Đức giành thắng lợi quan trọng. Theo hồi ký của Manstein, 170.000 tù binh, 1.133 đại bác và 258 xe tăng đã được thêm vào danh sách chiến lợi phẩm của Tập đoàn quân số 11.

Bộ óc chỉ huy chiến lược của quân đội phát xít Đức - 3

Manstein trong một chiến dịch quân sự tháng 1.1941.

Sau một tháng ổn định tình hình, Manstein tập trung quân đánh thành phố cảng Sevastopol. Ngày 21.5.1942, pháo binh Đức bắn phá dồn dập vào thành phố này. Ngoài pháo cỡ thường, quân phát xít còn sử dụng siêu pháo tự hành Karl-Great (cỡ nòng 60 cm) và siêu pháo Dora (cỡ nòng 80 cm). Hai tuần giao tranh ác liệt, Tập đoàn quân số 11 đã chọc thủng hàng phòng ngự vòng ngoài của Sevastopol và làm chủ phía bắc vịnh Severnaya. Tuy nhiên, Đức cũng thiệt hại quân vô số.

Để giải quyết nhanh gọn Sevastopol, Manstein điều quân vượt vịnh Severnaya và đánh bọc hậu tuyến phòng ngự thứ hai của Liên Xô. Quân Xô Viết thua cuộc, Đức tràn vào nội đô và Manstein được chính thức trở thành thống chế.

Sau chiến thắng quan trọng ở Sevastopol, Hitler tín nhiệm cho Manstein làm chỉ huy các binh đoàn Đức tấn công Leningrad bị quân Liên Xô chiếm từ tháng 8.1941. Ngày 27.8, Manstein lên mặt trận Leningrad, đem theo nhiều binh lính của Tập đoàn quân số 11. Do chưa đủ lực lượng nên Manstein định triển khai Chiến dịch Ánh sáng phương Bắc hòng phá đường tiếp tế tới Leningrad tại hồ Ladoga.

Đúng ngày Manstein tới thành phố này, Tập đoàn quân xung kích số 2 và số 8 của Liên Xô mở chiến dịch Sinyavino đánh vào phòng tuyến của Tập đoàn quân số 18 Đức. Quân Liên Xô chọc sâu vào đội hình khiến vòng vây quân Đức có nguy cơ bị phá tan.

Trước tình thế này, Hitler yêu cầu Manstein phản công. Sau hàng loạt trận đánh hai bên, Manstein phản kích vào ngày 21.9 và chẻ đôi tập đoàn quân Liên Xô. Chiến dịch Sinyavino của Liên Xô bị tan rã nhưng quân Đức thương vong rất nhiều. Quân Đức sau đó phải chuyển sang thế thủ và từ bỏ Chiến dịch Ánh sáng phương Bắc. Cuối cùng, Leningrad được Liên Xô giải phóng vào tháng 1.1944.

Trung thành mù quáng

Bộ óc chỉ huy chiến lược của quân đội phát xít Đức - 4

Manstein (phải) gặp mặt Hitler năm 1943.

Dù Manstein rất ghét Đức quốc xã nhưng ông đồng ý với tham vọng của Hitler nhằm khôi phục vị thế quân sự Đức ở châu Âu. Manstein rất hâm mộ Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức von Moltke (1906-1914) nên học hỏi phong cách chiến lược của vị tướng này. Manstein cũng đặt niềm tin rất lớn vào sức mạnh của quân đội Đức với các đòn tấn công chớp nhoáng trên mọi mặt trận. Trong chiến dịch với Pháp, mệnh lệnh đầu tiên của Manstein đưa ra là chọc thủng phòng tuyến sông Seine.

Nhiều người đối lập từng đề nghị Manstein tham gia vào kế hoạch tiêu diệt Hitler nhưng ông đã thẳng thừng từ chối. Ông tin rằng vận mệnh nước Đức sẽ vẫn tốt chừng nào Hitler còn sống.

Sau này, Manstein giải thích lí do từ chối ám sát Hitler: “Tôi có nhiệm vụ chỉ huy trên chiến trường nên tôi không được phép thực hiện âm mưu đảo chính. Điều này chỉ khiến nước Đức suy sụp nhanh hơn và chìm sâu vào khủng hoảng. Ngoài ra, lòng trung thành của những chỉ huy trước Quốc trưởng sẽ bị nghi ngờ nếu Hitler không còn sống”.

Nhiều tướng tá khác như Stauffenberg, Tresckow, Oster đều không đồng tình với quan điểm của Manstein. Họ nghĩ rằng hy vọng tốt nhất với nước Đức lúc đó là tiêu diệt Hitler và tránh cho hàng vạn quân nhân bị giết. Dù vậy, thái độ của Manstein vẫn rất cứng rắn.

Thậm chí ngay cả trong phiên tòa xét xử tại Nuremburg năm 1948, Manstein cũng không chỉ trích Hitler và bảo vệ Bộ Tổng tham mưu Đức quốc xã khỏi bị kết án tội phạm chiến tranh. Manstein vẫn bị tòa án quân sự ở Anh kết án là tội phạm chiến tranh và bị giam 18 năm trong tù. Năm 1953, ông được thả do tình trạng sức khỏe yếu.

Manstein sau đó được mời làm tư vấn cấp cao năm 1956 nhằm giúp tái thiết quân đội Đức và mở đường cho quốc gia này tham gia tổ chức NATO.

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét