Đi tìm sự thật về 72 lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo


Đi tìm sự thật về 72 lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo - 1

Phác họa hình ảnh Tào Tháo.

Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.

Theo Ancient-Origins, Tào Tháo (155-220) lớn lên ở huyện Tiêu, nay là Hào Châu thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tự là Mạnh Đức. Tào Tháo là thừa tướng cuối thời Đông Hán. Ông nổi lên khi nhà Hán suy yếu.

Dù không trở thành hoàng đế nhưng ông là người có công lớn lập nên nhà Ngụy, một trong ba thế lực lớn trong lịch sử Trung Quốc thời Tam Quốc. Năm 220, sau khi Tào Tháo qua đời, con trai Tào Phi đã chấm dứt khoảng quãng thời gian trị vì của Nhà Hán, lập ra nhà Ngụy.

Mặc dù Tào Tháo trong Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung được mô tả là một bạo chúa độc ác, tàn nhẫn và hay đa nghi, người đời sau lại ca ngợi ông là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất.

Với vai trò đáng kể trong lịch sử Trung Quốc, liệu đâu mới là nơi an nghỉ thật sự của Tào Tháo luôn là bí ẩn khiến các nhà nghiên cứu phải đau đầu cho đến tận ngày nay.

Truyền thuyết 72 lăng mộ

Theo truyền thuyết, lúc còn nhỏ, trong một lần tham gia cùng với nhóm đào trộm mồ mả, tận mắt thấy chúng lấy hết của cải tùy táng với người chết, Tào Tháo nghĩ ngay đến bản thân mình sau này. Vì vậy, để đề phòng bản thân sau khi chết không rơi vào thảm cảnh này, Tào Tháo đã nhiều lần yêu cầu “chôn cất đơn giản”, không để lại những vật dụng quý giá.

Tào Tháo vốn đa nghi đã giết nhầm rất nhiều người. Do đó, khi qua đời, ông muốn đảm bảo rằng không ai một ai biết đến nơi an nghỉ, để kẻ thù không lần ra mà quật mộ lên.

Trước khi chết, Tào Tháo đã ra lệnh chuẩn bị sẵn 72 quan tài với 72 lăng mộ khác nhau. Ngày an táng Tào Tháo, có tới 72 cỗ quan tài từ hướng Đông, Tây, Nam và Bắc cùng một lúc được khênh ra các cổng thành. Dân trong thành, thậm chí lính khênh quan tài cũng không biết quan tài nào là thật và trong 72 ngôi mộ, ngôi mộ nào là thật.

Đi tìm sự thật về 72 lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo - 2

Khu lăng mộ được cho là của Tào Tháo ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Năm 2009, Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam tuyên bố đã tìm ra lời giải của một trong những bí ẩn khảo cổ lớn nhất Trung Quốc. Đó là việc phát hiện lăng mộ được cho là của Tào Tháo.

Các nhà khảo cổ đã đào xới khu vực lăng mộ rộng 740 mét vuông ở làng Xigaoxue, thành phố cổ An Dương, tỉnh Hà Nam. Năm 2008, một công nhân làm việc gần đó đã phát hiện ra nhiều dấu vết của lăng mộ trong khi đào bùn để làm gạch.

Chính quyền địa phương chỉ biết về lăng mộ từ lời kể của một kẻ trộm mộ. Người này kể rằng đã lấy trộm phiến đá khắc dòng chữ “Ngụy Vũ Vương” – tước hiệu của Tào Tháo từ khu mộ.

Kết thúc quá trình tìm kiếm, các nhà khảo cổ phát hiện ra thi thể của 3 người. Một người đàn ông ở độ tuổi khoảng 60, người phụ nữ khoảng 50 tuổi và người phụ nữ khác ngoài 20. Những những bộ hài cốt này được cho là của Tào Tháo, một trong những vợ và người hầu.

Trong khu mộ có kích cỡ tương đương nhiều ngôi mộ dành cho vua chúa, người ta còn tìm thấy vài mẫu xương cùng với hơn 250 đồ vật bằng vàng, bạc và gốm. Một số đồ vật khắc dòng chữ: “Đây là những vật mà Ngụy Vũ Vương từng sử dụng”.

“Phiến đá khắc dòng chữ nêu rõ tước hiệu của Tào Tháo là bằng chứng rõ nhất”, nhà khảo cổ học Liu Qingzhu, đến từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nói. “Không một ai có thể có nhiều cổ vật với dấu vết liên quan đến Tào Tháo ngoài việc đó chính là ông ấy”.

Bí ẩn nơi an nghỉ Tào Tháo

Đi tìm sự thật về 72 lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo - 3

Vật dụng trong lăng mộ có khắc chữ “đây là những vật mà Ngụy Vũ Vương từng sử dụng”.

Kể từ khi phát hiện ra lăng mộ, nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về những phát hiện khảo cổ. Tháng 8.2010, 23 chuyên gia và học giả đưa ra bằng chứng tại một cuộc họp ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, cho rằng các cổ vật đào được trong ngôi mộ là giả mạo.

Chính quyền địa phương có thể đã ngụy tạo bằng chứng liên hệ với Tào Tháo để thu hút khách du lịch.

Li Luping, chuyên gia về thư pháp và đá cổ nói, nhiều chữ viết trên bia đá bị sai ngữ pháp hoặc trông giống với văn phong thời hiện đại. Giáo sư về văn học cổ đại đến từ Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc, Huang Zhengyun nhận định, nhiều cổ vật được tạo nên từ công cụ hiện đại.

Các học giả duy trì quan điểm cho rằng, các cổ vật khắc dòng chữ mô tả vật dụng của Tào Tháo là hết sức vô lý.

“Những cổ vật này trông giống như sản phẩm trưng bày trong bảo tàng. Tào Tháo không muốn những thứ đó đặt trong ngôi mộ của mình”, một chuyên gia Trung Quốc nói.

Tháng 9.2010, bài phân tích đăng tải trên Kaogu, tạp chí khảo cổ học Trung Quốc, cho rằng, lăng mộ thuộc về Tào Hoán – vị vua cuối cùng của nhà Ngụy. Tào Hoán là con trai của Tào Vũ (một người con của Tào Tháo).

Đi tìm sự thật về 72 lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo - 4

Lối vào khu mộ được cho là của Tào Tháo.

Phân tích kỹ lưỡng lại dòng chữ khắc trên cổ vật, các nhà khảo cổ nhận ra họ đã đọc ngược ký tự khi mới được khai quật. Cái tên chính xác thực tế là Hoán, có nghĩa chủ nhân ngôi mộ là Tào Hoán.

Tào Hoán qua đời ở tuổi 57, gần với tuổi mà các nhà khảo cổ ước lượng của hài cốt thu thập bên trong lăng mộ.

Một Giáo sư Chủ nhiệm khoa lịch sử Đại học An Huy cũng đặt ra 4 nghi vấn đối với ngôi mộ được cho là của Tào Tháo.

Nghi vấn đầu tiên là vị trí lăng mộ. Những câu truyện trong dân gian đầu nhắc đến ngôi mộ Tào Tháo ở khu vực đồi núi. Khi cử hành tang lễ, Tào Phi - con Tào Tháo nêu rõ: “Linh cữu rời cung đình, đi tới Sơn Nga”.

Câu nói này nghĩa là đưa thi hài Tào Tháo đến vùng núi. Nhưng khu mộ phát hiện năm 2009 lại ở đồng bằng.

Thứ hai, khu mộ này không có các tướng lĩnh, người có công trong triều. Sinh thời, Tào Tháo chủ trương sau khi mất đi thì các đại thần, tướng lĩnh trong triều có công đều được mai táng xung quanh mộ mình.

Đi tìm sự thật về 72 lăng mộ bí ẩn của Tào Tháo - 5

Nhiều học giả Trung Quốc không cho rằng đây là lăng mộ một trong những nhân vật kiệt xuất nhất thời Tam quốc.

Thứ ba, những phiến đá có khắc chữ “Ngụy Vũ Vương” có thể là giả mạo. Bởi vì, “Ngụy Vũ Vương” là tước hiệu được truy phong sau khi Tào Tháo đã qua đời được nhiều năm. Phiến đá thu thập từ một kẻ trộm mộ cũng làm giảm tính xác thực của cổ vật.

Thứ tư, trong mộ không có ấn tín, tức con dấu. Bởi vì đây là bằng chứng chỉ rõ thân phận của người trong mộ. Tất cả mộ vua chúa đều có, nhưng ngôi mộ ở Hà Nam không có.

Bất chấp những bằng chứng cho thấy, ngôi mộ này không phải của Tào Tháo, chính quyền địa phương An Dương vẫn tiếp tục kế hoạch xây dựng Bảo tàng Lăng mộ Tào Tháo, như một cách để thu hút khách du lịch.

Thông tin mộ giả - mộ thật của Tào Tháo rộ lên suốt nhiều năm để rồi lại lắng xuống. Một số người khác cho rằng, lúc sống Tào Tháo cho xây dựng 72 ngôi mộ là cố ý bày ra một mê hồn trận, rất có thể tất cả đều là giả. Thi thể của Tào Tháo đã được chôn ở một nơi bí mật khác.

Tào Tháo là một người đa mưu túc trí nên ông có thể đã tính đến việc người đời sau tìm cách đào xới cả 72 ngôi mộ lên để tìm kiếm.

Trên thực tế, không chỉ riêng Tào Tháo, mà với hầu hết các nhân vật thời Tam quốc, nơi an nghỉ thực sự của họ vẫn là điều bí ẩn đối với người đời sau.

________________

Bài viết xuất bản ngày 28.1 đề cập đến một trong những danh tướng dũng mãnh nhất thời Tam quốc và lý do vì sao Tào Tháo dù trọng người tài nhưng quyết ra tay diệt trừ người này.

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét