Năm nay cũng vậy. Từ 24-25 tháng Chạp, hoa kiểng các nơi đã được đưa về tập kết ở các chợ hoa xuân điểm bán trên lề đường nhưng mãi đến sáng 29 Tết mới lác đác có khách mua.
Những ngày trước đó, dạo quanh các chợ hoa và điểm bán hoa lề đường Lý Thường Kiệt (quận 10), Thành Thái (quận 10), Bến Bình Đông (quận 8), phóng viên không khỏi chạnh lòng nhìn cảnh hoa kiểng chất đầy nhưng hiếm thấy bóng dáng khách dừng lại hỏi han.
10 giờ sáng 29 Tết (tức 26-1), chợ hoa xuân Công viên 23-9 (quận 1) vẫn còn vắng khách. Nhiều chậu cúc, vạn thọ dập gãy – hậu quả của trận mưa chiều 28 Tết – nằm lăn lóc. Khu vực bán hoa đào mọi năm xôm tụ, năm nay gốc đào còn đầy ứ, chỉ có một vài khách ghé vào hỏi han, còn lại chủ yếu là khách tham quan hoặc các bạn trẻ tạo dáng chụp ảnh ngày Xuân.
Chị Tuyền, bán sứ kiểng và cát tường chậu ở Công viên 23-9, cho biết năm nay chợ hoa này vắng hơn hẳn mọi năm. Nhà vườn ít, hoa kiểng cũng ít hơn và cả khách đi dạo, chụp hình cũng vắng. Chị đem lên gần 1.000 chậu cát tường nhưng từ 25 Tết đến nay chỉ bán được gần phân nửa. Chợ vắng, hoa bị cơn mưa bất ngờ hôm qua làm hoa dập cánh nên nhiều người bán cắm bảng bán rẻ.
“Từ giờ tới 30 Tết làm sao bán hết chừng này chậu? Nhiều người kỳ lắm, chờ tới giờ chót "bán xổ" mới vào mua hoặc chờ tới lúc sắp tan chợ ((12 giờ trưa 30 Tết) thì ào vô giựt ngang. Tiền vốn, công chăm sóc, bón phân tưới nước cực khổ mà bán rẻ mạt hoặc bị cướp giựt nên năm rồi có người ức quá, thà đập bỏ chứ không để cho dân hôi của” – chị Tuyền chua chát nói.
Chợ hoa công viên 23-9 vắng người sáng 29 tết
Chị Thu Hồng, đem hồng tỉ muội từ Đồng Tháp lên TP bán Tết cũng buồn rầu cho biết chợ vắng quá, còn chưa đầy 1 ngày nữa phải dọn về, không biết bán được bao nhiêu. Theo chị Hồng, khách hàng năm nay rất lạ, những ngày trước còn không có khách dạo chợ hỏi giá. Từ 28, 29 Tết có khách lai rai nhưng nhiều người trả giá rất “rát”, nghe mà muốn rớt nước mắt. “May mà hoa nhà trồng, anh em hùn lại đem lên đây bán chứ nếu đi mua của nhà vườn rồi đem bán chắc lỗ nặng.” – chị Thu Hồng nói như than.
Không có khách, cả nhóm bán hoa tulip gom lại tán gẫu
Chợ hoa Phú Mỹ Hưng (quận 7) cũng không khá hơn. Phần lớn khách chỉ đi dạo, chụp hình chứ ít có nhu cầu mua hoa.
Tại chợ hoa trên bến dưới thuyền bến Bình Đông (quận 8), mai kiểng bung cánh toe toét, tắt (quất) kiểng mọi năm khu vực này bán rất sung, năm nay cũng thưa thớt người mua. Anh Tùng, bán tắt kiểng từ Bến Tre chở lên, cho hay ghe còn đầy ứ, chỉ trông chờ vào chiều 29 và sáng 30 Tết để gỡ lại ít vốn. "Nếu ế quá phải ráng cầm cự đến mùng 1, mùng 2 mới lui ghe về quê" - anh Tùng buồn bã nói.
Cũng theo anh Tùng, khu vực này không bị dẹp chợ hoa trưa 30 Tết nên từ mấy năm nay đã trở thành địa chỉ mua kiểng giờ chót của nhiều người dân quận 8, huyện Bình Chánh, quận 5, quận 6, quận 10… Đến mùng 1, mùng 2 Tết vẫn còn người ra đây mua mai, tắc giá rẻ. Mấy ngày đó, kiểng bớt tươi, người bán cũng héo hắt vì buồn.
Hồng tỉ muội nở bung hết cỡ, giá chỉ 30.000 đồng/chậu
Trên một số trang mạng xã hội lan truyền nhiều bài viết, video clip kêu gọi người dân Sài Gòn có điều kiện nên mua hoa kiểng trước, đừng đợi đến giờ chót mới đi “gom” hoa giá rẻ về chưng. Đành rằng tiết kiệm là cần thiết nhưng không nên vì lý do tiết kiệm mà hình thành thói quen không đẹp, đừng để người nông dân vất vả trồng hoa phải rầu rĩ lo lắng vì ế ẩm hoặc ôm mặt khóc ròng ngồi nhìn từng giỏ hoa bị xe hốt rác xúc đem đổ bỏ.
Nói như cô Nguyễn Thị Tâm Ái, nhà ở quận Bình Thạnh, mùa xuân ai cũng muốn được vui vẻ, hạnh phúc, bà con nông dân trồng hoa – bán hoa cũng vậy. Ngay từ 25 Tết, cô Ái đã ghé các điểm bán hoa lề đường mua ủng hộ. “Đi ngang thấy hoa chất đầy, người bán ngồi lọt thỏm chính giữa... tội họ quá nên ghé vào mua. Mình vui vì mua được hoa đẹp, người ta vui vì bán được hàng. Ai cũng vui!”
Cô Tâm Ái còn lo lắng với kiểu mua hoa giờ chót của cư dân Sài Gòn bây giờ, nông dân lỗ lã sẽ buồn chán, bỏ nghề trồng hoa Tết. Đường phố Sài Gòn sẽ buồn đến thế nào nếu vắng bóng hoa kiểng ngày xuân?
0 nhận xét:
Đăng nhận xét