Binh sĩ Trung Quốc đứng gác trước Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Theo BBC, hiện không rõ liệu Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) để lộ vị trí của các gián điệp hay Trung Quốc có cách nào khác để xác định nguồn cung cấp tin.
CIA hiện chưa lên tiếng bình luận về những thông tin này. New York Times ngày 20.5 cung cấp thông tin dựa trên cuộc phỏng vấn với 4 cựu quan chức CIA.
Một gián điệp CIA thậm chí còn bị bắn chết ngay bên trong sân của một tòa nhà chính phủ để cảnh báo những người khác.
Một số người khác thì bị bắt bỏ tù vì nhiều lý do khác nhau. Hai cựu quan chức cao cấp Mỹ cho biết Trung Quốc đã tiêu diệt hoặc cầm tù khoảng 18-20 gián điệp làm việc cho CIA tại nước này.
Theo các cựu quan chức CIA, thông tin tình báo thu thập từ Trung Quốc bắt đầu trở nên thưa dần trong giai đoạn năm 2010. Các gián điệp làm việc cho CIA biến mất từ đầu năm 2011.
Binh sĩ Trung Quốc canh gác ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.
CIA và FBI sau đó đã cùng mở chiến dịch Lửng Mật (Honey Badger) để tìm hiểu nguyên nhân.
New York Times nói cuộc điều tra tập trung vào một cựu điệp viên CIA. Nhưng cơ quan tình báo Mỹ không có đủ bằng chứng để bắt giữ người này.
Người này nghỉ việc không lâu trước khi các gián điệp CIA bị mất tích hoặc bị tiêu diệt. Anh ta hiện vẫn đang sống tại một quốc gia châu Á. Một số người cho rằng đây là cách cơ quan tình báo Trung Quốc sắp xếp để trả công.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đó đã chất vấn quan chức CIA vì chất lượng thông tin tình báo giảm sút ở Trung Quốc.
Matt Apuzzo, phóng viên New York Times khai thác câu chuyện nói trên BBC rằng, vụ việc đã khiến nội bộ chính phủ Mỹ chia rẽ vì khả năng bên trong CIA có nội gián, điệp viên CIA đã để lộ đầu mối hoặc Trung Quốc xâm nhập được vào hệ thống thông tin bảo mật.
20 gián điệp làm việc cho CIA được cho là đã bị sát hại hoặc giam giữ ở Trung Quốc.
Việc các gián điệp CIA biến mất đã khiến cho mạng lưới thu thập thông tin tình báo của Mỹ ở Trung Quốc bị tê liệt trong nhiều năm. Sự việc chỉ chấm dứt vào năm 2013 và Mỹ đã phải mất rất nhiều công sức để xây dựng lại mạng lưới.
Phóng viên Apuzzo nói: “Trong nhiều năm qua, Mỹ và Trung Quốc đã mở cuộc chiến gián điệp bí mật đằng sau hậu trường. Trung Quốc thậm chí đã xâm nhập vào chi nhánh của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở Đài Loan”.
Thông tin này được công bố trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang có chiều hướng ấm lên dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, hiện vẫn chưa chuyển đến Bắc Kinh.
Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ không bình luận về thông tin đăng tải trên New York Times, nhưng trong thông cáo báo chí gần đây, ông đề cập đến “tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung”.
Đại chiến Thế giới lần thứ 3 có thể nổ ra giữa Mỹ và liên minh quân sự Nga-Trung Quốc, điều mà Mỹ không hề mong muốn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét