Mắc màn cho ếch “ngủ”
PV có mặt tại trang trại của ông Tại ở Khu 1, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, Hải Phòng. Trong ao nuôi rộng chừng 200m2, 4 chuồng nuôi ếch được ông Tại thiết kế đơn giản từ màn lưới có chiều dài 7m, chiều rộng 3m, cao 2,5m buông kín như màn ngủ. Bên trong mỗi chiếc chuồng ấy, ông Tại thả ít mảnh xốp và bèo tây để tạo môi trường trú ngụ cho ếch. Trong mỗi khung màn ấy là 1.500 chú ếch được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Tại cho biết, năm 2010, ông bắt đầu nghề nuôi ếch với số lượng 5.000 con theo mô hình hoang dã (thả vườn, ao xung quanh nhà). Sau trận mưa tầm tã đêm 20/5/2010, toàn bộ đàn ếch 5.000 con của ông Tại đã “bốc hơi” khỏi vườn. Chán nản vì đầu tư bao nhiêu công sức, tiền bạc vào đàn ếch, vậy mà giờ tay trắng nên ông Tại dừng nghề từ đó.
Sau 6 năm, ông Tại nung nấu ý định quay lại với nghề nuôi ếch. Thay vì “ngẫu hứng” như lần trước, ông tìm hiểu thật kỹ về chu kỳ sống, đặc điểm, thức ăn, môi trường… của ếch. Và rồi lứa ếch thí điểm 1.000 con đã cho ông thành quả gần 10 triệu đồng tiền lãi sau 3 tháng quay lại nghề.
Khởi đầu lại suôn sẻ, ông quyết tâm mở rộng mô hình nuôi ếch. Sau nhiều đêm trăn trở, ông phát hiện ra một tỷ lệ lớn ếch nuôi bị thất thoát do chuột hoặc chim ăn thịt. Và ông nảy sinh ra một ý tưởng để bảo vệ đàn ếch của mình bằng cách nuôi quây trong màn.
Ông Tại đang chuẩn bị thức ăn cho đàn ếch. Ảnh: T.G
Ban đầu, ông mua 2 chiếc màn tuyn về cho ếch vào nuôi thí điểm. Sau 3 tháng, số lượng đàn ếch thu hoạch đạt đến 95%, đây là tỷ lệ kỷ lục trong nghề nuôi ếch. Với “phát minh” độc đáo này, ông nhân rộng mô hình 4 chuồng nuôi với 6.000 con ếch. Rồi ông mày mò học hỏi từ sách vở, một số người nuôi ếch lâu năm và tự đúc rút cho mình 1 phương pháp nuôi riêng. Lúc ếch còn nhỏ dưới 10 ngày tuổi, ông dùng lòng đỏ trứng gà sao khô cho ếch ăn trong vòng 1 tuần, sau đó mới cho ếch ăn cám nhỏ hoặc cám to tùy theo ngày tuổi.
Ông Tại chia sẻ: “Tôi đã nuôi rất nhiều loài như ngan, gà, cá sấu, ba ba... nhưng ếch là loài dễ nuôi mà lại ít tốn kém, thời gian nuôi ngắn cho hiệu quả kinh tế cao”. Theo kinh nghiệm của ông, trung bình mỗi khung màn lưới chỉ cần 4kg thức ăn cám viên chia đều cho 2 bữa trong ngày. Tuyệt đối không để thức ăn dư thừa dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, ếch bị nhiễm bệnh.
Cũng theo ông Tại, việc quan trọng nhất là phải luôn theo dõi sức khỏe cho ếch vì ếch rất hay mắc bệnh nấm. Nếu thấy ếch xuất hiện nấm thì phải dùng thuốc tím chữa trị kịp thời, nếu không ếch sẽ chết hàng loạt.
Vụ ếch năm nay, ông Tại bắt đầu xuất bán cho các thương lái vì vào tháng 8 Âm lịch hàng năm, thịt ếch được tiêu thụ với số lượng lớn bởi lý do bắt đầu mùa hỏi, cưới. Được biết, trung bình mỗi năm gia đình ông Tại cung cấp cho thị trường 25 tấn ếch thịt với giá dao động từ 50.000 -100.000 đồng/kg.
“Thú vui tuổi già” được nhiều người học tập
Từ năm 2001, ông Tại bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại trồng cây, chăn nuôi. Ban đầu, trên bờ ông trồng cây, dưới ao ông thả cá. Sau đó xét thấy địa thế trang trại rộng, ông đã tổ chức, quy hoạch lại sản xuất, vườn cây ao cá. Lần này, ông trồng cây, thả cá, nuôi lợn mỗi loại thành một khu riêng biệt. Diện tích vườn 3 sào được ông sử dụng để trồng chuối, mít, nhãn... cho thu nhập cao. Diện tích ao khoảng 5.000m2 ông dùng để nuôi cá trắm, cá trôi, mè, rô phi... mỗi năm cho thu hoạch 7 tấn cá. Tổng thu nhập của gia đình trừ mọi chi phí cũng cho từ 450 -500 triệu đồng/năm.
Nghề nuôi ếch được ông Tại xem là nghề tay trái. Trong mô hình trang trại của mình, ông Tại còn nuôi gà Đông Tảo, chim bồ câu, cá sấu, baba… Mỗi lần bổ sung thêm vật nuôi mới ông đều cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc tìm cho mình hướng đi mới an toàn và hiệu quả. Ông triển khai nuôi thí điểm để nắm bắt kỹ thuật và đúc rút kinh nghiệm rồi mới bắt tay vào nuôi đại trà. Vì thế mô hình làm ăn kinh tế của ông Tại được nhiều người đánh giá cao, tìm đến tham quan học hỏi về làm theo.
Ông được Ban chấp hành Hội nông dân thành phố Hải Phòng trao bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2016”. Đồng thời, mô hình làm kinh tế của gia đình ông Tại cũng được đánh giá là một trong những điển hình ở địa phương, cho hiệu quả kinh tế ổn định.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét