"Ăn gian" dây đồng
Cách đây không lâu, hình ảnh một cục nóng điều hoà được 4 vòng dây đồng quấn vòng tròn đang được chia sẻ rộng rãi.
Theo nhiều người, việc lắp thừa ra ngoài quá nhiều như vậy là không thực tế và chủ nhà cũng sẽ không đồng ý với việc lắp đặt lãng phí như vậy. Đây có thể là trò câu like trên mạng xã hội.
Hình ảnh được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có nhiều thợ lắp đặt, sửa chữa điều hòa cố tình kéo dài dây đồng thêm hàng mét để "ăn chênh" tiền. Ví dụ dùng hết 4 mét dây ống đồng thì họ khai lên 5 mét. Khi dây ống đồng đã ăn gian được số mét thì những phụ kiện khác cũng ăn gian được số mét tương ứng. Khoảng cách lắp càng xa, số mét càng bị khai khống nhiều hơn. Do đó, lắp một máy điều hòa, ngoài tiền công, khách còn có thể "bị vặt" thêm 1-2 triệu tùy vào khoảng cách lắp.
Ví dụ: Lắp đặt 1 máy điều hòa 9000 BTU với khoảng cách 5 mét thì mất 5 mét ống đồng với giá 160.000 đồng/mét, 5 mét gen bảo ôn giá 10.000 đồng/mét, 10 mét vải bọc bảo ôn (phải quấn xung quanh ống) giá 8.000 đồng/mét, 5 ống nước thải 8.000 đồng/mét, dây điện mất 5 mét giá 18.000 đồng/mét.
Với mức giá phụ kiện như trên, chỉ cần khai khống lên 1 mét thì thợ điều hòa sẽ ăn gian được khoản tiền khoảng 200.000 đồng. Đó là chưa kể, loại phụ kiện là dây dẫn ống đồng, giá thợ tính cho khách thường đắt gấp 4 lần giá lấy buôn ngoài đại lý, dây điện ăn chênh gấp 2 lần. Tính ra, với số mét lắp đặt chiếc điều hòa trên, thợ sẽ ăn chênh giá phụ kiện thêm khoảng 500.000 đồng tiền chênh.
Khoảng cách lắp càng xa, số mét càng bị khai khống nhiều hơn. Thế nên, lắp một máy điều hòa, ngoài tiền công thì khách bị vặt thêm 1-2 triệu tùy khoảng cách lắp là chuyện không quá lạ.
Báo giá bất thường
Cũng giống như lắp đặt điều hòa, khi sửa chữa điều hòa, thợ sẽ tính tiền công sửa từ 50.000-100.000 đồng. Nếu thay thế sẽ tính thêm tiền mua linh kiện mới. Song, thợ điều hòa thường dùng “quái chiêu” hỏng một báo hỏng hai, không hỏng cũng báo hỏng hay chọc cho hỏng để đem sửa lấy tiền.
Để không “tiền mất, chuốc bực vào thân” cũng như hạn chế tình trạng nhân viên sửa chữa “chặt chém”, khách hàng cần tìm tới các công ty, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa có trụ sở cố định, uy tín có bảng giá dịch vụ rõ ràng thay vì liên hệ tới các số điện thoại quảng cáo rao vặt, không rõ địa điểm cơ sở hoạt động. Ảnh minh họa
Đơn giản nhất, khách gọi điện báo điều hòa bật lên không thấy mát, thợ đến kiểm tra đáng ra chỉ cần vệ sinh, kiểm tra gas nếu thiếu thì nạp. Nhưng, nhiều thợ nói phải kiểm tra toàn bộ rồi kê ra đủ bệnh từ hỏng tụ, chết vi mạch, dây dẫn ống đồng hở, cháy lốc,... Do người sửa không có sẵn phụ kiện nên thợ điều hòa thường đề nghị tháo điều hòa mang về xưởng để sửa. Nếu khách hàng đồng ý tức đã sập bẫy của họ. Bởi, về cửa hàng, thợ chỉ việc vệ sinh máy, bơm gas, còn các thiết bị kia không phải sửa chữa gì nhưng vẫn bị tính tiền thay mới như thường.
Chưa kể, nhiều thợ còn dùng các chiêu kiểm tra máy, báo hỏng một loạt các linh kiện bên trong cùng giá thay thế lên đến 3-5 triệu đồng, khách mà tiếc tiền thay thì hỏi mua luôn với giá “đồng nát” chỉ tầm trên dưới 1 triệu. Nếu mua thành công, về chỉ cần thay linh kiện với giá 200.000-300.000 đồng rồi bán đi, đút túi ngay vài triệu đồng.
Đến muộn hơn so với giờ hẹn
Thông thường, khi bạn gọi điện đến các cơ sở sửa chữa điều hòa, kĩ thuật viên thường đến muộn hơn so với giờ hẹn nhằm tạo tâm lý sốt ruột, vội vàng cho khách hàng.
Lúc này, thợ sửa điều hòa sẽ yêu cầu chủ nhà lấy cái này, cái kia để phục vụ cho việc sửa chữa. Nhưng thực chất, họ biện những nguyên cơ đó để che mắt, dễ dàng cho việc gian lận trong quá trình sửa chữa.
Trong quá trình thợ kiểm tra, khách hàng cũng cần luôn giám sát để tránh tình trạng lợi dụng sự vắng mặt của gia chủ để giả vờ thay thế linh kiện hoặc chọc ngoáy khiến máy điều hoà của bạn càng hư hại thêm. Ảnh minh họa
Lily (th)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét