Điều đó cho thấy, hàng Việt đang được người Việt ưa chuộng, cũng có nghĩa là hàng hóa của ta ngày càng nâng cao chất lượng, được người dân tin dùng. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà hiện tượng hàng hóa kém chất lượng từ nước ngoài tìm cách giả làm hàng Việt Nam tuồn vào tiêu thụ ở nước ta ngày càng gia tăng.
Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), trong 2 năm gần đây, cơ quan này phát hiện nhiều trường hợp hàng hoá lưu thông trên thị trường nội địa nhưng xuất xứ không đúng. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam, hàng chất lượng thấp, giá rẻ. Có hàng hoá thẩm lậu qua biên giới vào Việt Nam mà trên bao bì ghi rõ là xuất xứ tại Việt Nam. Điển hình nhất là vụ việc khoai tây Trung Quốc được đem lên Đà Lạt, trộn đất và nói là khoai tây Đà Lạt. Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác có sự gian lận xuất xứ như dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em. Đáng chú ý, những mặt hàng này bị phát phiện chứa độc tố hoặc có hàm lượng vượt mức cho phép, đặc biệt là chất phụ gia nằm ngoài danh mục trong sản phẩm liên quan đến thực phẩm.
Tại cuộc họp liên quan chống lẩn tránh phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ gần đây, Bộ trưởng Bộ Công thương đã chỉ rõ việc hàng nước ngoài đội lốt xuất xứ hàng Việt không mới, nhưng mới và "bất thường" trong tính chất hoạt động thương mại. Việc này gây tổn hại tới thị trường nội địa, lòng tự tôn dân tộc, tình cảm và xu thế của người tiêu dùng.
Việc tuồn và nhập hàng từ nước ngoài, chủ yếu là hàng Trung Quốc về gắn mác hàng Việt không chỉ đẩy nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đến chỗ phá sản, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã mất những thị trường xuất khẩu quan trọng thời gian qua là hậu quả của tình trạng gian lận xuất xứ, mới nhất là một số sản phẩm thép Việt Nam bị phía Mỹ áp thuế lên tới 456%, không chỉ gây thiệt hại nặng cho những ngành hàng này mà còn ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Để ngăn chặn tình trạng này, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải siết chặt lại hoạt động cấp chứng nhận xuất xứ, phải tăng chế tài xử phạt, thậm chí là tội hình sự, chứ không chỉ phạt hành chính 3-30 triệu đồng như hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác cảnh báo chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành. Khuyến khích người dân phát hiện và kiên quyết không tiêu thụ hàng hóa gian lận, giả mạo, góp phần trả lại môi trường kinh doanh, sản xuất cho hàng Việt Nam chất lượng cao.
Hà Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét