Bi hài chuyện chung cư người Việt nhưng đặt tên tiếng nước ngoài


Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, hiện nay, phần lớn các dự án bất động sản liền kề, biệt thư, chung cư "sính" đặt tên theo tiếng Anh, tiếng Pháp. Cá biệt, có những dự án còn đặt tên dài loằng ngoằng và rất khó nhớ như: Season Avenue, Roman Plaza (Hà Nội), Angela Boutique Serviced Residence, River Garden Executive Residences, New Generation Apartment, The Era Royal Plaza, Somerset Chancellor Court (TP.HCM)… 

Cùng với những cái tên vừa Tây vừa ta như: Berriver Long Biên, Florence Mỹ Đình (Hà Nội). Hoặc tên gọi lơ lớ nhau như: Dream Home Palace, Dream Home Residence và Dream Home Luxury Apartment...

Bi hài chuyện chung cư người Việt nhưng đặt tên tiếng nước ngoài - Ảnh 1.

Không ít dự án mang tên Việt bán khá chạy trên thị trường do chủ đầu tư thích đặt tên nước ngoài cho... sang. Chiến thuật này đánh vào tâm lý của người Việt là sính đồ ngoại.

Việc chủ đầu tư đặt tên "ngoại quốc" cho các dự án bất động sản đang ngày càng phổ biến, theo xu hướng chung. Những cái tên được đặt thường có ý nghĩa mô tả đặc điểm, vị trí, dòng sản phẩm, cảnh quan, phong cách thiết kế, đối tượng khách hàng… Ngoài ra, nó còn mang đến sự sang trọng, nâng tầm giá trị, thu hút người mua ngay từ ban đầu.

Tuy nhiên, khách hàng đang bị "hoa mắt" bởi hàng trăm dự án có tên gọi na ná nhau, vừa khó đọc, vừa khó nhớ. Thậm chí người đọc còn không biết mình phát âm có đúng không, còn người nghe đang cố gắng nhớ lại những ngôn ngữ vô cùng lạ.

Trên thực tế, việc đặt tên "rất Tây" với các dự án khiến nhiều người không thành thạo ngoại ngữ dễ đọc sai, đọc nhầm, mô tả không đúng vị trí. Nhiều tình huống "dở khóc, dở cười" do người dân những cái tên đọc đến "líu cả mồm".

Bi hài chuyện chung cư người Việt nhưng đặt tên tiếng nước ngoài - Ảnh 2.

Việc chủ đầu tư đặt tên Tây cho các khu chung cư khiến cư dân gặp không ít khó khăn trong quá trình sử dụng.

Chuyện phát âm khó khăn không chỉ gặp ở người trẻ tuổi, mà còn là nỗi khổ của người già mỗi khi đọc địa chỉ. Trong một lần liên hệ công việc, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Lương (SN 1955, Hà Nội) cho địa chỉ tìm đến nhà. Qua điện thoại, ông hướng dẫn tìm đến khu chung cư "si sun a va lu". Hỏi đi hỏi lại nhiều lần ông vẫn đọc y như vậy, nhưng rất may là một đồng nghiệp của chúng tôi đang sinh sống gần đấy nên mới đoán ra tên Season Avenue.

Từng rơi vào cảnh trớ chêu, anh Lê Minh Tâm (SN 1983, Hải Dương) cho biết, ngày đầu tiên mới ra Hà Nội giao đồ ăn nhanh, khách đặt hàng đến chung cư Goldenland Building (quận Thanh Xuân). Nhưng do kém về ngoại ngữ nên anh phát âm hỏi đường không ai hiểu, lúc này khách gọi giục liên tục nên càng luống cuống chạy lòng vòng. Khi đến nơi, khách cáu quá nên không nghe máy nhận hàng, mang đồ ăn về cửa hàng lại bị chủ mắng tơi bời.

Bi hài chuyện chung cư người Việt nhưng đặt tên tiếng nước ngoài - Ảnh 3.

Một số gia đình khi nhận nhà mới làm thủ tục nhập trạch, thầy cúng không biết đọc tên chung cư thế nào cho chuẩn.

Chị Đỗ Thùy Linh (SN1988, ở Hà Đông - Hà Nội) nhân viên điều hành taxi cho hay, những ngày mới vào nghề gặp không ít khó khăn, bởi khách ở chung cư thường quen đọc tên tiếng Anh của tòa nhà. Có những cái tên vừa dài vừa rắc rối, mà có phải ai cũng phát âm đúng đâu. Đến lúc báo lại lái xe, nhiều người còn không biết khu nhà tên tiếng nước ngoài khách vừa gọi nằm ở đâu. Trường hợp khách nói một đằng, lái xe đi một nẻo do hiểu nhầm tên nước ngoài là chuyện bình thường.

Theo bà Lê Thị Thanh Thúy (SN 1962, ở Thanh Xuân - Hà Nội) chia sẻ, bối rối nhất là chuyện thắp hương, khấn vái tổ tiên. Mỗi khu chung cư có hàng ngàn căn hộ, nếu khấn tên tiếng nước ngoài, địa chỉ không cụ thể thì tổ tiên rất dễ bị nhầm đường. Vì vậy, bản thân luôn thấy day dứt lương tâm khi nghĩ đến chuyện các cụ không biết đường tìm về nhà.

Bi hài chuyện chung cư người Việt nhưng đặt tên tiếng nước ngoài - Ảnh 4.

Nhiều dự án chưng cư tên quá dài và khó nhớ. Trong ảnh là chung cư River Garden Executive Residences.

Bên cạnh đó, nhiều người dân ở các khu chung cư có tên nước ngoài, đặc biệt là các dự án có tên dài còn gặp rắc rối khi đi làm các thủ tục giấy tờ như chứng minh nhân dân, visa, hộ chiếu, sổ tạm trú…. Do những loại giấy tờ này quá bé nên ở phần ghi địa chỉ, riêng cái tên của khu chung cư cũng đã chiếm hết, tên phường/xã, quận/huyện không còn đủ chỗ để ghi tiếp. Cũng có những trường hợp chỉ cập nhật được mỗi số căn hộ, tên đường, phường mà không còn đủ chỗ để ghi tên chung cư, khu phố…

Việc đặt tên cho các dự án nhà ở quy định rõ tại Chương III, mục 1, điều 19 của Luật nhà ở 2014. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt. Trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, tiếng nước ngoài sau. Không chỉ vậy, tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, được sử dụng trong cả quá trình đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng. Nhưng hiện nay, vẫn có tình trạng các dự án đua nhau đặt tên nước ngoài, gây ra không ít khó khăn, rắc rối cho người dân sinh sống ngay tại các khu chung cư này.

Nhật Tân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét