Ảnh minh họa
Cách vượt qua nỗi đau mất người thân
Những ngày qua, nhiều gia đình ở Nghệ An và Hà Tĩnh đang từng giờ từng phút ngóng tin từ cơ quan chức năng về vụ 39 người được phát hiện đã chết trong quá trình vượt biên sang Anh. Cùng thời điểm này, con họ mất liên lạc khi đang sang Anh nên ai cũng lo lắng một trong số nạn nhân là con họ.
Trong thực tế, cái chết của một người mà ta yêu thương ngay cả trong trường hợp đã dự đoán trước, chẳng hạn như người bệnh ung thư giai đoạn cuối cũng vẫn luôn là một sang chấn mạnh cho những người thân ở lại, có thể gây ra cơn khủng hoảng tâm lý.
TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tâm lý, Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM) cho rằng, khi đã mất đi một người thân thì không thể không đau được. Để vượt qua nỗi đau, biến cố sẽ tùy vào nhiều yếu tố. Nỗi đau khi mất đi người thân sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định để vượt qua nó, không có chuẩn mực chung nào về khoảng thời gian đủ để vượt qua đau khổ cho tất cả mọi người.
Tùy mỗi người mà vượt qua biến cố, khủng hoảng sẽ khác nhau. Có người có thể chỉ vài ngày, vài tuần, vài tháng, thậm chí mất cả nhiều năm trời. Điều này có thể là tính cách đặc trưng của từng người, kinh nghiệm sống cá nhân, niềm tin tôn giáo…
Để vượt qua được nỗi đau, sự mất mát người thân, mọi người cần:
Thứ nhất: Hãy chấp nhận, công nhận và làm bạn với cảm xúc nỗi đau. Để từ đó mình giải tỏa nỗi đau đó theo cách riêng của mình, bộc lộ ra ngoài. Có người đóng cửa lại, có người khóc, có người hét to hay nói với ai đó về nỗi đau… Bạn đừng nên đè nén nỗi đau trong lòng vì đó là phản ứng tự nhiên.
Thứ hai: Chấp nhận cái chết là điều mà ai cũng phải trải qua. Cuộc sống này vô thường, sinh lão bệnh tử cũng là quy luật rồi, không sớm thì muộn cũng sẽ qua. Khi mình hiểu được quy luật đó và hiểu được tính vô thường của cuộc đời thì bạn sẽ chấp nhận sự ra đi của người thân nhẹ nhàng hơn. Hãy trân trọng những gì mình đang có.
Thứ ba: Bạn nên nhớ người đó dù có mất đi nhưng vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta. Họ luôn luôn sống trong tâm trí, trái tim của bạn. Dù người đó là ai thì họ không chết đi hoàn toàn. Ví dụ như người con mất đi bố mẹ của mình thì nhớ bố mẹ là một phần trong cơ thể mình rồi. Một người bố, người mẹ mất đi con của mình thì hãy nhớ rằng người con vẫn luôn ở trong trái tim của mình. Cho nên mình chỉ cần sống cho tốt, vui, khỏe thì người đã ra đi họ không phải lo lắng cho mình. Hãy làm cho bản thân bận rộn hơn, làm những điều gì có ích, có thể khiến cho người đã mất có thể an lòng.
"Tôi rất thích câu chuyện một người bố có con trai mất đi do bị bắt nạt. Sau cái chết của con, ông đã trở thành một người tuyên chiến với chống bắt nạt học đường, bảo vệ những đứa trẻ khác khỏi bắt nạt để không ai giống như con của ông. Ông muốn cho cái chết của con ông ý nghĩa hơn. Ông luôn thấy hình ảnh của con trong trái tim mình nên hành động vì những đứa trẻ khác. Đây chính là một cách sống có ý nghĩa vượt qua nỗi đau mất người thân, làm điều gì đó có ý nghĩa", TS Phạm Thị Thúy cho hay.
Dù người thân còn hay mất bạn sẽ vẫn phải tiếp tục sống. Mọi người hãy để tình yêu của người đã mất trở thành động lực sống cho mình. Hãy nuôi dưỡng tâm hồn bằng kỷ niệm với người quá cố, nuôi dưỡng thân tâm mình bằng sự vô thường và chấp nhận quy luật sống ở đời là mọi thứ đều có thể xảy ra.
Đừng tự trách móc
Chuyên gia Phạm Thị Thúy cho biết, khi ai đó mất đi thì phần lớn mọi người có tâm lý tìm một lí do để bào chữa, buộc tội hoặc tự trách bản thân. Cảm xúc này rất khó tránh, nhất là trong những trường hợp chết trẻ. Việc trách móc cho ai đó hoặc đổ lỗi cho chính mình khi người thân mất đi là xu hướng tiêu cực. Dù có trách hay không thì họ đã ra đi. Mình cần phải làm thế nào để việc ra đi của họ không vô nghĩa mới là điều quan trọng. Hãy nói cho mọi người biết sai lầm của mình khi đã cho người thân của mình ra đi, tin bọn buôn người để người thân mình phải khổ để không ai chết như người thân của mình nữa tốt hơn là ngồi tự trách bản thân.
Theo bà Lê Thị Túy (Trung tâm Tư vấn Hạnh phúc, kỹ năng sống) chia sẻ, cái chết, rủi ro có thể đến với ta bất cứ khi nào, vào những lúc ta không ngờ tới nhất. Khi điều này xảy ra, người ta hay hoảng loạn, đau khổ… khó chấp nhận. Bản thân bà cũng đã trải qua những nỗi đau mất đi người thân bên cạnh mình. Những lúc ấy, bà đau khổ đến tột cùng, chỉ mong sao mình cũng chết đi để kết thúc nỗi đau. Vậy rồi mọi thứ cũng qua hết cho dù nỗi đau không bao giờ khỏa lấp được.
Chấp nhận thực tại là cách để thoát khỏi nỗi đau. Chấp nhận cuộc sống, những điều bản thân không thể thay đổi. Người chết không sống lại được. Người còn sống đừng oán thán, tự trách mình hay cũng đừng đặt ra câu hỏi "giá như", "Biết thế này…"… Nếu cứ quẩn quanh suy nghĩ đau khổ sẽ khiến ta đắm chìm trong khổ đau mà khó thoát ra được, càng dễ mang bệnh.
Cũng theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, những người xung quanh ngoài giúp đỡ vật chất hãy an ủi người đang mất đi người thân. Tuyệt đối không nói những lời trách móc, chì chiết. Điều này càng khiến cho họ đau khổ hơn, stress nặng hơn. Ngoài ra, cũng đừng gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý tránh gợi lại các ký ức đau buồn. Đặc biệt ở những người cao tuổi, không nên suy nghĩ kiểu day dứt, đau đớn mà phải biết dựa vào sự từng trải của mình trong cuộc đời để vượt quá điều đó.
Phương Thuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét