Sim rác vẫn được tranh thủ bán với giá rẻ như cho
Bà Nguyễn Lan Anh, ngõ 329, Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc: "Có một buổi chiều đang kho nồi cá mà tôi nhận tới 5 cuộc điện thoại mới mua chung cư, đầu tư đất, đi spa, mua sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Ức chế đến phát rồ ảnh hưởng đến tâm trạng của cả buổi tối.
Có cuộc gọi ban đầu họ tỏ ra thân thiện: "Cô Lan ạ, cháu nghĩ giờ này cô rảnh nên gọi cho cô. Tuổi của cô là cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của mình rồi đấy ạ…" làm tôi vừa nghe, vừa phải đoán xem ai đang gọi cho mình. Mãi mới nhận diện rõ thì ra đó là cuộc gọi mời mua thực phẩm chức năng. Bực nhất là mải nghe đến mức cháy cả nồi cá".
Trên thực tế việc tìm mua một chiếc sim không cần làm thủ tục, đưa chứng minh thư nhân dân vẫn dễ như chưa có thanh tra trên diện rộng. Bất chấp những quy định của pháp luật, sim rác vẫn được chào bán với mức giá rẻ như cho. Dọc các tuyến đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu hàng loạt các cửa hang vẫn vô tư công khai chào bán sim với giá rất bèo.
Một cửa hàng có bán sim rác trên đường Hồ Tùng Mậu.
Tại đây, các chủ cửa hàng có thể cung cấp cho khách hàng hàng loạt các loại sim của hầu hết các nhà mạng. Có cả những loại sim giá chỉ từ 8.000 đồng đến 20.000 đồng là khách hàng đã có thể sử dụng được bộ sim kích hoạt sẵn. Giá trị của sim phụ thuộc vào thời gian sử dụng có thể từ 2 tháng đến hàng chục năm.
Anh N.V.M, chủ một cửa hàng bán sim - thẻ trên đường Cầu Giấy cho biết: "Sim rác thường có các khuyến mại về sử dụng internet nên thường được sinh viên chọn sử dụng. Sim đã được đăng ký nên khi sử dụng sẽ không bị khóa. Do giá rẻ nên với loại sim này, khi sử dụng hết các dịch vụ khuyến mãi thì có thể bỏ đi".
Không chỉ trên thị trường mà trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook những bài viết rao bán cũng được đăng tải rất sôi động với giá thành tương tự. Tuy nhiên, khi sử dụng sim rác người dùng sẽ đứng trước sự rò rỉ thông tin cá nhân và không thể chuyển đổi lại số điện thoại cũ như các thuê bao chính chủ.
Vẫn bị sim rác làm phiền ngay trong đợt thanh tra
Tin nhắn "rác" và những cuộc gọi tiếp thị vốn là "đặc sản" không mong muốn của người dùng mạng di động tại Việt Nam. Năm 2016, Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã từng có đợt thanh tra trên diện rộng trên toàn quốc nhằm chấm dứt tình trạng sim rác, tin nhắn, cuộc gọi "rác". Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tình hình này vẫn diễn ra khiến người dân không khỏi lo lắng về tình hình trên.
Sim rác luôn có cầu có triệt tiêu được cung?
Ngay trong đợt thanh tra đang diễn ra, người dân vẫn rất ức chế khi hàng ngày những tin nhắn, cuộc gọi không mong muốn vẫn diễn ra. Bà Nguyễn Thị Hằng (46 tuổi, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Hằng ngày, có khi tôi nhận được cả chục cuộc điện thoại hỏi mua nhà, mỹ phẩm, mới đi spa… thậm chí cả mời đi du lịch miễn phí. Không biết họ có thông tin của tôi như thế nào nhưng tôi cảm giác rất phiền hà".
Em Nguyễn Lan Anh (sinh viên năm thứ ba, ĐHQG Hà Nội) thì cho biết: "Tin nhắn, cuộc gọi "rác" em được nhận nhiều nhất là chào mời học các khóa học Tiếng Anh. Các bạn trong lớp em cũng rơi vào tình trạng tương tự. Việc này vừa gây cảm giác rất phiền và vừa mất thời gian".
Dù đợt thanh tra đang diễn ra, nhưng người dân vẫn không khỏi lo lắng về việc liệu sau đợt thanh tra sim "rác" có được thu hồi hết không và những giải pháp nào để người dân có thể tránh lộ thông tin cá nhân.
Đừng tùy tiện tải ứng dụng khi chưa đọc kỹ
Tin nhắn "rác" và những cuộc gọi không mong muốn chính là biểu hiện của việc người dùng dịch vụ bị lộ thông tin cá nhân.
Trao đổi với Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, chuyên gia truyền thông và mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long cho rằng: "Việc lộ thông tin cá nhân mà biểu hiện cụ thể là các tin nhắn rác và các cuộc gọi không mong muốn với người sử dụng di động hiện nay chủ yếu đến từ hai nguồn. Nguồn thứ nhất chính là bản thân người dùng, nguồn thứ hai là đơn vị cung cấp và các đơn vị bán thông tin khách hàng. Việc này xảy ra không chỉ do sử dụng sim "rác" mà phổ biến khi người dùng sử dụng dịch vụ ứng dụng từ nhà mạng kể cả là thuê bao chính chủ".
Nói về các biện pháp phòng tránh rò rỉ thông tin cá nhân, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng: "Giải pháp trực quan nhất khi mà cơ chế bảo vệ thông tin người sử dụng ở Việt Nam còn lỏng lẻo là người dùng nên sử dụng 2 số điện thoại cho các mục đích khác nhau. Một số để sử dụng đăng ký khi cài đặt các ứng dụng, đăng ký các dịch vụ cần cung cấp cá nhân, số còn lại dùng để liên hệ thông thường và công việc".
Khi sử dụng hoặc đăng ký tài khoản trên các ứng dụng, các dịch vụ xác nhận trên internet người dùng mạng Việt thường có thói quen tích đồng ý ngay khi xác nhận tham gia các điều khoản mà không hề đọc kỹ.
"Đây là vấn để đáng quan tâm, người dùng cần đọc kỹ và không nên tích đồng ý vào mục đồng ý cho cung cấp thông tin cá nhân. Không chỉ vậy, khi đi mua sắm nếu được yêu cầu làm thẻ khách hàng hoặc các dịch vụ cần cung cấp thông tin cá nhân các bạn cũng cần phải đọc kỹ tờ khai và không tích vào việc cho phép sử dụng thông tin cá nhân" - chuyên gia Nguyễn Ngọc Long tư vấn.
Trước khi có những giải pháp phù hợp từ phía cơ quan chức năng, người sử dụng dịch vụ từ các nhà mạng cần có những kỹ năng để tự bảo vệ mình để tránh những rủi ro khi tự mình làm lộ thông tin cá nhân.
Huy Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét