Câu hỏi người dân đặt ra: Nếu sự cố vừa xảy ra không phải là nhiễm dầu thải mà là các chất độc thì không hiểu câu chuyện gì sẽ xảy ra? Hậu quả chắc chắn là vô cùng khủng khiếp, chỉ nghĩ đến thôi cũng lạnh cả người.
An ninh nguồn nước không chỉ là đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân mà còn phải bảo đảm an toàn vệ sinh, loại trừ các rủi ro gây hại. Nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước và các chế tài được quy định tại Luật Tài nguyên nước 2012 cùng các văn bản dưới luật. Song, sự cố vừa xảy ra đối với nước đầu nguồn sông Đà đã cho thấy an ninh nguồn nước chưa được bảo đảm, thậm chí là lỏng lẻo.
Hệ lụy những ngày qua đã thấy rõ, nguồn nước ô nhiễm khiến nhiều người dân phải mua, tìm nguồn nước sạch bổ sung. Còn tác động của nước bẩn tới sức khỏe của người dân thì chưa thể đong đếm.
Theo Hội Tài nguyên nước quốc tế, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia thiếu nước và sẽ gặp phải nhiều thách thức về tài nguyên nước. Chúng ta hiện có 7.500 hồ chứa nước và đập dâng với dung tích khoảng 20 tỉ m3, trong khi nhu cầu nước dự kiến đến năm 2020 của một số lĩnh vực lên tới khoảng 125 tỉ m3. Có thể thấy, lượng nước được cấp chủ động từ các hồ chứa chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, còn lại phụ thuộc chủ yếu vào lượng nước mưa tự nhiên và nguồn cung từ các con sông. Sông gặp vấn đề thì biết bao hệ lụy sẽ xảy ra?
Hiện nay trên cả nước, sông Đà, sông Hồng, sông Mã, sông Mê Kông, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn… là những bể chứa quan trọng cho nguồn nước sinh hoạt của người dân. Từ sự cố trên, đã đến lúc phải ráo riết siết chặt công tác bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, có chế tài nghiêm khắc với những kẻ gây hại cho nguồn nước. Đồng thời, các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng vào cuộc xử lý, trả lại nguồn nước sạch cho người dân.
Hà Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét