Vì lo lắng môi trường bị ô nhiễm thủy ngân, hơn 300 hộ dân cách hiện trường vụ cháy khoảng 150m đi sơ tán tản đã trở về sau khi bộ đội hoá học hoàn thành công việc tẩy độc khu vực trong và ngoài nhà kho Rạng Đông.
Tấm phông chữ "Trung thu muộn - Vì môi trường sống của chúng em" sáng rực khu phố. Khuôn mặt của những người làm cha mẹ ấm áp hơn khi nhìn 200 đứa trẻ háo hức đón niềm vui tưởng chừng đã bỏ lỡ. Trung thu dẫu tổ chức muộn thì vẫn đầy ý nghĩa đối với mỗi đứa trẻ và mỗi gia đình sau vụ cháy Rạng Đông. Nó không chỉ là một cuộc vui đến hẹn lại lên mà mỗi đứa trẻ háo hức chờ hàng năm mà nó còn là sự gắn bó của mỗi con người với mái nhà, với cộng đồng và môi trường sống của họ.
Vụ cháy kho bóng đèn Rạng Đông khiến hàng trăm hộ dân phải di dời với nhiều thiệt hại chưa đo đếm được. Những tổn thất về tinh thần, nỗi lo về sức khỏe làm họ phải rời xa nơi ở, nhưng khi trở về, việc đầu tiên họ quyết định là bù đắp về tinh thần cho các con. Đồng thời cũng là sự gắn kết của cả khu dân cư, tình làng nghĩa xóm. Họ cũng không quên nhắc nhở nhau "Vì môi trường sống của chúng em" – của bản thân họ cũng như chính những đứa con mình - những công dân tương lai của đất nước.
Tết Trung thu muộn đã được tổ chức, những đứa trẻ được vui chơi ở nơi mình sống. Nhưng vẫn còn nhiều em nhỏ và gia đình vì những lý do khác nhau vẫn chưa thể trở về dưới mái nhà thân thương của mình. Để các em được sống trong môi trường trong sạch, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội và mỗi chúng ta. Việc làm cần thiết nhất là bên cạnh việc xác định đền bù thiệt hại cho cư dân, các cơ quan chức năng cần công bố chính thức về tình trạng xử lý môi trường ở Rạng Đông. Điều này rất quan trọng, nó vừa bù đắp tổn thất về tinh thần và vật chất cho những người dân sống nơi đây, cũng là đòi hỏi sự công bằng cho môi trường sống của họ. Đồng thời cũng là lời cảnh báo cho các đơn vị sản xuất về trách nhiệm xã hội của mình với đất nước, với người dân và môi trường sống của chúng ta.
Hà Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét