"Đúng vậy, đó là một thói quen của tôi". "Có gì hay không chú?". "Nếu quan sát kĩ sẽ thấy hay. Cái bà mặc áo xanh sẫm kia kìa. Bà ấy đang vội vã về nhà. Trong túi xách của bà ấy có một bó rau muống, bà ta phải vội về để làm bữa cơm chiều. Còn anh chàng bảnh trai vừa đi vừa nghe điện thoại kia là đang đi gặp người yêu. Cậu ta ăn mặc rất tử tế và cầm một bông hoa hồng. Một lát nữa cháu sẽ thấy một cô gái đi bộ rất đẹp, như vận động viên thể dục dụng cụ. Cô ta thường đi bộ 10 lượt chiều dài cầu vượt, đi rất nhanh và rất đẹp. Kia rồi. Người đẹp bắt đầu lên cầu". Hưng nhìn ra cầu và tấm tắc: "Cô ấy đi đẹp quá. Và người cũng đẹp nữa, chân dài, dáng cao, ngực nở".
"Cô gái kia đi đẹp quá chú ơi. Cháu muốn tập đi như cô ấy rồi ra đảo dạy cho lính của cháu". "Vậy thì buổi chiều cháu cứ đi bộ qua cầu, làm quen với cô ấy thì có thể học được".
Hôm sau Hưng lại sang nhà tôi và ngồi bên cửa sổ nhìn ra cầu vượt. "Chú thấy không, cô ấy đi đẹp quá. Cháu rất muốn học kiểu đi bộ như thế". "Thích thì xông ra chứ ngồi đây làm gì". "Cháu muốn xông ra lắm, nhưng sợ cô ấy cười cho. Cháu muốn học mà sợ người ta không dạy". "Đừng sợ. Cô ấy không phải là vận động viên đội tuyển. Các đội tuyển tập ở Nhổn chứ không tập ở đây. Chắc chắn cô này từng học ở Trường Đại học Thể dục Thể thao Từ Sơn và bây giờ đang làm giáo viên thể dục cho một ngôi trường nào đó. Các giáo viên thường có nhu cầu dạy người khác. Vả lại cậu đẹp trai và bộ quân phục Hải quân của cậu nhìn cũng bắt mắt. Hãy xông ra và đi song song với cô ấy".
Được tôi khích lệ, Hưng ra cầu vượt và đi song song với cô gái. Sự xuất hiện của Hưng khiến cô gái ngạc nhiên. Hưng không sao đi kịp cô ta. Và cô gái mỉm cười: "Anh sẽ không bao giờ đi kịp em đâu. Phải đi đúng kĩ thuật mới nhanh được". "Kĩ thuật đó như thế nào? Cô có thể dạy tôi được không?". "Anh cũng muốn làm vận động viên ư?". "Không. Nhưng tôi muốn học để ra Trường Sa dạy lại đồng đội của tôi". "Thế thì em sẽ dạy anh. Nghe mấy tiếng bộ đội Trường Sa là em đã muốn dạy rồi. Bắt đầu nhé. Động tác thứ nhất, bàn chân không được nhấc cao hơn mặt đường 1mm. Động tác thứ 2 đầu gối luôn thẳng, không được cong. Động tác thứ 3 đánh tay nhanh và mạnh. Anh nhìn em thị phạm. Như thế và anh bắt đầu tập đi". Hưng tập tương đối khó khăn, vì anh quen đi theo tư thế nhấc cao chân như khi tập đội ngũ. "Anh nhấc chân cao quá. Như thế thì em đi được 3 bước, anh mới đi được một bước. Tập lại nào. Anh lại phạm quy rồi. Đầu gối không được cong cơ mà. Nếu thi đi bộ ai cong đầu gối đều bị loại ngay. Thay đổi một thói quen là rất khó, nhưng em tin là anh sẽ làm được".
Về nhà Hưng một mình tập đi bộ dọc hàng lang. Lưng áo của cậu ta ướt đẫm mồ hôi. "Trông thế mà khó và vất vả đấy chú ạ!". "Trong thể thao không có môn nào dễ cả. Cứ kiên trì tập đi". Buổi tập hôm sau Hưng đi khá hơn. "Anh đi tốt hơn hôm qua, ít phạm quy. Chắc về nhà có tập thêm phải không?", Hưng gật đầu. Và cô gái động viên: "Như thế là tốt. Đúng là tinh thần người lính". Rồi một hôm cuối buổi tập, tôi thấy hai người đứng trên cầu tâm sự rất lâu. Sau đó cô gái đưa Hưng qua cầu và đi đâu đó. Thì ra cô gái đưa Hưng về thăm nhà. Hưng kể: "Cô ấy tên là Dung. Một cô gái rất hay. Bố cô ấy là một Đại tá về hưu. Ông già hỏi cháu rất nhiều về Trường Sa và các nhà giàn. Hình như ông già cũng thích cháu". "Không chỉ ông già thích mà cô Dung cũng thích cháu, nếu không cô ấy không dẫn cháu về nhà và giới thiệu với bố". Những buổi sau đó hai người tập với nhau lâu hơn rồi cùng nhau đi đâu đó lâu hơn. Có hôm mãi khuya Hưng mới về. Tôi hỏi cậu ta: "Cá cắn câu rồi hả?". Hưng đỏ bừng mặt: "Cháu trao nhẫn cầu hôn cho Dung rồi. Không ngờ kỳ nghỉ phép của cháu lại tuyệt vời đến thế".
Tiểu phẩm của Khánh Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét