Trước đó, năm 2018 Hạ Long từng tăng giá vé từ 20% đến 85% tùy sản phẩm. Lần này, thông tin tăng giá vé ở vịnh này dư luận và các nhà lữ hành lại biết được thông qua báo chí. Sau đó, lo lắng trước luồng thông tin từ dư luận, Ban Quản lý (BQL) vịnh Hạ Long mời các doanh nghiệp tham gia ý kiến thần tốc. Hạn chót là ngày 25/10 nhưng nhiều đơn vị mãi tới ngày 24/10 mới… nhận được công văn.
Trước phản ứng của dư luận, vào đúng ngày hạn chót các doanh nghiệp gửi phản hồi cho BQLvịnh Hạ Long (25/10) thì tỉnh Quảng Ninh lại có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng việc triển khai tăng giá vé.
Tăng giá vé tham quan, dịch vụ là chuyện bình thường trong du lịch. Việc tăng phí dịch vụ theo thẩm quyền là của UBND tỉnh, tăng để kiểm soát lượng khách, giảm áp lực lên vịnh Hạ Long cũng là một sáng kiến có thể chấp nhận được. Nhưng Hạ Long là một biểu tượng của du lịch, một di sản quốc gia, một di sản thế giới thì việc tăng giá phải theo đúng lộ trình và phải thật khoa học. Bởi không chỉ có du khách Việt, công ty lữ hành nội địa mà du khách thế giới cũng nhìn vào đó để đánh giá việc phục vụ du lịch của Việt Nam.
Việc tăng giá phải cho khách hàng thấy nó đi kèm với công khai đầu tư, bổ sung dịch vụ. Thông tin rõ, điều chỉnh tăng mức phí lên bao nhiêu phần trăm, công khai rõ lộ trình điều chỉnh trong mỗi năm. Đặc biệt là việc điều này phải được thông báo trước cho doanh nghiệp.
Trên thực tế vịnh Hạ Long cũng đang đầu tư thêm các khu nghỉ an toàn, trong dự thảo đề xuất nên nói rõ và thông tin sớm thì trọn vẹn biết bao!
Việc tăng giá mà thiếu sức thuyết phục sẽ khiến dư luận và doanh nghiệp phản ứng. Việc xin ý kiến doanh nghiệp nhưng thời hạn quá gấp rút quá phản cảm. Điều đáng nói ở đây là cách làm bởi trong kinh doanh muốn tăng giá cũng phải thông báo với khách hàng trước hàng quý để khách hàng và doanh nghiệp có sự chuẩn bị.
Ở Việt Nam du khách không còn lạ với việc đột ngột tăng giá vé tham quan. Bởi câu chuyện này từng xảy ra ở Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình), Quảng Bình, Quảng Trị, Huế… "Bệnh" tăng giá đường đột vẫn xảy ra ở những điểm danh thắng tại Việt Nam khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao Tổng cục Du lịch không "kê toa" để trị dứt điểm căn bệnh đang lây lan trong ngành của mình? Các hiệp hội du lịch, lữ hành từ trung ương đến địa phương của 63 tỉnh, thành cũng "án binh bất động" mặc cho dư luận bức xúc?
Trước đây, khu du lịch Tràng An từng tăng giá tới 60% mà không thông báo, dù công ty du lịch đã ký hợp đồng và đặt vé trước 2 tháng. Lúc đưa khách đến mới ngã ngửa cũng đã nhận phản ứng kịch liệt từ dư luận sao các đơn vị làm du lịch cụ thể là Ban quản lý vịnh Hạ Long không xem đó là bài học?
Cách làm vừa rồi của Ban quản lý vịnh Hạ Long là thiếu tôn trọng doanh nghiệp và khách hàng. Làm du lịch ở Việt Nam càng phải hiểu được cách đi du lịch của du khách trong nước, thường có kế hoạch từ 3-5 tháng trước. Hợp đồng đã ký, tiền đã đặt cọc, đùng một cái, tăng giá vé thì có khác nào làm khó doanh nghiệp, du khách. Nếu không muốn mất điểm về hình ảnh du lịch Việt Nam, hãy dừng ngay việc tăng giá vé đường đột?
Mai Hạnh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét