Thâm cung bí sử (197 - 3): Lâu đài hạnh phúc


"Anh đồng ý với em. Với học vị của em về nước không thiếu chỗ làm. Tất nhiên làm việc ở Mỹ, mọi điều kiện tốt hơn". "Với em, ở đâu có anh là ở đấy tốt nhất". "Đồng ý. Một câu nói nghe mát cả ruột. Anh sẽ chờ em thêm một năm nữa. Vả lại anh cũng cần thời gian để chuẩn bị cho tổ ấm của chúng mình. Anh mới ra trường chưa chuẩn bị gì cả".

Về quê, Tuấn bàn với bố mẹ đập ngôi nhà cũ để làm lại. Người xanh xao không thể bán được thuốc bổ máu. Anh kĩ sư xây dựng không thể ở một căn nhà cấp 4 cũ kĩ. Với hai bằng kĩ sư, Tuấn có thể kiếm một chỗ làm dễ dàng, nhưng anh biết là lương tháng không đáng bao nhiêu so với hai tấm bằng kĩ sư của anh. Tuấn muốn gọi một kip thợ xây dựng tổ chức một tổ hợp làm nhà ở quê. Và muốn thế, căn nhà của anh phải khác. Tuấn trao đổi dự định của mình với Ngọc. Ngọc nói: "Em hoàn toàn ủng hộ anh. Bố mẹ nuôi anh ăn học vất vả. Những năm cuối đời, bố mẹ cần được ở một ngôi nhà tử tế. Em xin góp một chút gọi là chung tay xây dựng tòa lâu đài hạnh phúc của chúng mình". Và Ngọc gửi về hai tháng lương (12.000 USD). Ở quê có vài ba trăm triệu là đã có thể xây dựng được một ngôi nhà tử tế. Tuấn đã thiết kế căn nhà của mình rất hợp lý, nhà thoáng mát, rộng rãi, khu công trình phụ hiện đại như ở thành phố. Dân làng đến xem nhà của Tuấn đều tấm tắc khen. Sau khi khánh thành ngôi nhà mới, Tuấn mở dịch vụ thiết kế và xây dựng nhà. Ở nông thôn, người ta làm nhà không thiết kế mà theo những ngôi nhà có sẵn trong làng. Bây giờ được kĩ sư xây dựng thiết kế nhà thì nhiều người thích, hơn nữa Tuấn cam kết miễn phí thiết kế. Quan niệm của người nhà quê về sự sang trọng trước hết là nhà cao cửa rộng và để thiết kế những ngôi nhà như vậy không khó. Khi dựng vợ gả chồng cho con, người ở quê nêu tiêu chí đầu tiên là môn đăng hộ đối, nghĩa là nhà cửa phải tương xứng nhau. Rất nhiều người đã lấy chính căn nhà của Tuấn làm mẫu. Quả thật là nó khá đẹp, đáng gọi là lâu đài hạnh phúc. Nhưng đó mới chỉ là cái vỏ của lâu đài. Còn linh hồn của lâu đài hạnh phúc là tình yêu. Rất nhiều đêm Tuấn đã mơ thấy cảnh anh ra sân bay đón Ngọc rồi cảnh một đám cưới đầm ấm ở làng. Ngọc cũng hay mơ thấy ngày mình về nước gặp người yêu và lên xe hoa. Họ đã yêu nhau khá lâu rồi. Hai người đã qua bảy năm học tập, thêm một năm chuẩn bị nữa là tám. Ở thế kỉ hiện đại này, thời gian yêu nhau như thế là rất dài. Trong bảy năm học ở Mỹ, Ngọc có về nước ba lần. Cô muốn năm nào cũng về nước để gặp bố mẹ và người yêu, nhưng mỗi lần về rất tốn kém và một cô sinh viên như Ngọc không thể kham nổi. Phải hai năm tiết kiệm tiền học bổng, Ngọc mới có thể về quê một lần. Bây giờ cô sốt ruột muốn về nước để xây dựng hạnh phúc riêng.

(Còn nữa)

Tiểu phẩm của Khánh Hoàng

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét