Vì sức khỏe nhân dân, nhiều nhân viên y tế đã phải gác lại trách nhiệm gia đình để toàn tâm toàn ý phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Công Khanh
Sẵn sàng lên đường, tới thẳng tâm dịch
BS Hà Linh (tên đã được thay đổi), nữ bác sĩ nội trú Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là một trong 3 nhân viên y tế tham gia chuyến bay đón công dân Việt Nam trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc vào rạng sáng 10/2. Trong 30 hành khách trở về có một thai phụ mang thai 32 tuần. Chính vì vậy sẽ rất cần có bác sĩ chuyên khoa Sản tham gia chuyến đi, sẵn sàng trợ giúp thai phụ trên chuyến bay. BS Hà Linh đã tình nguyện lên đường. "Có lo lắng chứ, lo vì tôi chưa từng tham gia đoàn công tác nào mang tính chất quốc gia như vậy", BS Hà Linh chia sẻ ngay sau khi trở về.
Nhưng bình tĩnh lại, chị cùng đồng nghiệp nghiên cứu và biết lịch trình, công tác sàng lọc, sắp xếp công dân, quá trình vận chuyển, phương tiện bảo hộ,... nữ bác sĩ trẻ thấy yên tâm hơn rất nhiều. Mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo.
Một số kịch bản có thể xảy ra cũng được BS Hà Linh chuẩn bị. Rồi sau khi họp bàn với nhiều các y bác sĩ của viện, chị Hà Linh đã lên danh sách các đồ dùng, vật tư y tế, thuốc cần thiết để xử lý nếu một trong các tình huống trên xảy ra. Trước ngày lên đường, BS Linh cũng đã liên lạc với thai phụ qua điện thoại và nhận được tất cả kết quả siêu âm, khám thai, xét nghiệm, biết được thai phụ sức khoẻ hoàn toàn bình thường.
Mọi việc chuẩn bị ở bệnh viện đã xong xuôi, chị Linh quyết định thông báo với gia đình. Ai cũng bất ngờ và lo lắng song động viên chị cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài đồ đạc được gia đình chuẩn bị, em gái chị (cũng là bác sĩ nhi khoa) ngày ngày gửi cho chị các thông tin về cách phòng lây nhiễm, các nghiên cứu về COVID-19 (nCoV). Người duy nhất không biết chị tham gia chuyến đi là bố đẻ. Chị không dám nói vì sợ ông lo lắng.
Trở về nước an toàn, chị Linh nhớ mãi tình cảm mà mọi người trong chuyến bay, những đồng nghiệp y khoa dành cho nhau."Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hỗ trợ tôi rất nhiều, từ lãnh đạo bệnh viện đến bác sĩ và điều dưỡng tham gia cùng đoàn. Các anh chị hướng dẫn tôi cách mặc và cởi đồ bảo hộ an toàn, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc.... ", BS Hà Linh nhớ lại. Từ chỗ chưa quen biết, khi cùng nhau tham gia chuyến bay đó, các anh chị từ nhiều lĩnh vực khác nhau (dự phòng - truyền nhiễm - sản khoa) thân thiết với nhau hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người trực tiếp tới thăm, động viên và tặng Bằng khen cho 3 y, bác sĩ tham gia chuyến bay gọi họ là những "tấm gương quý" trong ngành Y, bởi tinh thần tự nguyện, trách nhiệm, nêu gương của những người bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Không chỉ 3 nhân viên y tế ấy sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần. Những ngày này, từ khoá Vĩnh Phúc, Bình Xuyên, Sơn Lôi cũng "nóng" không kém. Vì an toàn, xã Sơn Lôi đã được cách ly.
Nhưng người dân, cán bộ y tế ở Vĩnh Phúc, Bình Xuyên hay Sơn Lôi không cô đơn chống dịch. Bộ Y tế đã cử hai đội công tác chuyên môn cao về đây hỗ trợ khống chế, kiểm soát dịch và điều trị bệnh nhân. Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng các chuyên gia hàng đầu ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp y tế… đã về Vĩnh Phúc cùng Sở Y tế tỉnh này tập huấn cho các cán bộ y tế.
Song song với đó, hôm 13/2, hình ảnh 150 cán bộ, y, bác sĩ của các đơn vị y tế (bộ, ngành, tỉnh, huyện) trên toàn tỉnh Vĩnh Phúc, mặc quần áo bảo hộ, sẵn sàng lên đường đến Bình Xuyên để thực hiện công tác hỗ trợ phương án kiểm soát, phong tỏa, cách ly, phòng chống COVID-19 (nCoV) khiến nhiều người xúc động.
Riêng với xã Sơn Lôi (nơi đã có tới 8 người mắc COVID-19), có tới 96 y bác sĩ được tăng cường. Tại mỗi điểm chốt chặn của xã có 8 y, bác sĩ trực 24/24h phối hợp với lực lượng công an, quân sự, cán bộ địa phương làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh; theo dõi sát sao tình hình sức khỏe người dân; kịp thời thông tin, báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn xã tới các cấp chính quyền. Trước mắt, 96 cán bộ y tế này sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn và triển khai công tác y tế tại các điểm chốt chặn ở xã Sơn Lôi trong vòng 20 ngày theo quyết định của tỉnh. Hơn tất cả, họ lên đường với tinh thần tự nguyện.
Vất vả nhưng lại bị… kỳ thị
Đồ họa: Hoàng Việt
Những người tiếp xúc trực tiếp với các trường hợp nghi nhiễm hay dương tính COVID-19 (nCoV) đều phải tuân thủ quy định an toàn nghiêm ngặt. Bộ đồ bảo hộ với 2 lớp găng tay buộc phải mặc, không được cởi ra cho tới khi được phép và phải cởi một cách có "quy trình" để tránh lây nhiễm virus.
Chia sẻ sự bức bối, vướng víu khi mặc nguyên đồ bảo hộ kín mít, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người đã "cắm chốt" tại cơ sở 2 bệnh viện này suốt 3 tuần qua cho biết, suốt 6-8 tiếng đồng hồ, nhân viên y tế phải mặc bộ đó và chỉ được "nghỉ giải lao" một lần. "Cực kỳ khó chịu", anh nói. Cứ 3-4 tiếng "đóng hộp", nhân viên y tế mới được phép nghỉ "giữa hiệp", cởi bộ đồ bảo hộ. Sau khi vào phòng cách ly lại mặc bộ mới vào.
"Không nói đến việc khó thở, bí bách mà còn nghiêm ngặt đến mức không được gãi mũi, không được sờ mặt, hạn chế nói chuyện, không được đi vệ sinh suốt 4 tiếng. Ở bên Trung Quốc đã có nhân viên y tế phải đóng bỉm vì không thể... nhịn được. Chúng tôi hoàn toàn hiểu", BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ.
"Nhịn" đi vệ sinh trong suốt ca làm việc với nhiều người là kinh khủng nhất, nhưng với các nhân viên y tế chống dịch có lẽ chưa phải là "đỉnh cao". Trong hơn 4 tiếng trong phòng, mồ hôi ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang, nước không được uống. "Với người cận thị, ngoài lớp kính cận, còn thêm lớp kính bảo hộ, hai lớp kính mờ đi, khổ sở", BS Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội ngay khi bước ra khỏi phòng cách ly.
Chống dịch, điều trị bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chăm sóc người nghi nhiễm, trong số hơn 60 nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhiều người chọn bệnh viện là nhà lưu trú. Họ tự nguyện lựa chọn ở lại bệnh viện để tiện cho công việc, nhưng sâu xa, cũng là "tránh" sự kỳ thị không đáng có của những người xung quanh chưa hiểu tình hình.
Phải nhờ sự giúp đỡ của "hậu phương" để lo "tiền tuyến", không ít nhân viên y tế phải kiêm luôn nhiệm vụ "nhân viên phục vụ", bê cơm đến tận phòng bệnh, thu gom… quần áo lót của bệnh nhân mang đi giặt. Lại có nam bác sĩ vừa cưới vợ, chưa kịp hưởng tuần trăng mật thì có dịch, đành gác lại hạnh phúc riêng. Nhiều lúc đang họp, thảo luận chuyên môn khẩn cấp, có bác sĩ cấp cứu lại nhận tin nhắn ở nhà: Bố ơi, đường ống nước vỡ rồi, nước chảy nhiều lắm, sửa như thế nào đây? Lại có bác sĩ trực ca ban ngày khu vực bệnh nhân nghi nhiễm, bận tới nỗi, các con gọi điện phải dập máy ngay, chỉ dám nghe điện thoại của ông bà vì sợ chẳng may có việc gì. Mẹ con chỉ được gặp nhau qua màn hình Zalo, Facetime lúc 9h tối trước giờ con đi ngủ…. Nhưng sự hi sinh đó, không biết kéo dài đến bao giờ, bởi họ cứ trực ngày này qua ngày khác và chưa biết dịch đến lúc nào kết thúc.
"Các bạn ấy cũng được cách ly ngay trong viện, không được về nhà. Chúng tôi chỉ có thể lo cho các bạn ấy một ký túc xá tạm, đương nhiều điều kiện sinh hoạt không thể thoải mái, tiện nghi được", BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ..
Vậy mà khi chúng tôi gọi đó là sự "hi sinh" để nói về những cống hiến của các y bác sĩ, họ đã từ chối. "Không, chúng tôi không gọi và không coi đó là hi sinh. Nghe to tát, nặng nề quá. Đó là sự lựa chọn của chúng tôi ngay từ khi đăng ký trường thi đại học. Nói văn hoa thì gọi là "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta" hay "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai". Nhưng với chúng tôi đơn giản đó là công việc", TS Thân Mạnh Hùng chia sẻ.
"Đã có những nhân viên của khoa Cấp cứu, sau ca trực trở về nhà liền bị chủ nhà trọ gây khó dễ, doạ đuổi vì sợ bị lây bệnh. Thậm chí, có người không ở bộ phận tiếp đón, chăm sóc, điều trị bệnh nhân dương tính/nghi nhiễm… của Bệnh viện, ra hàng gội đầu còn không dám nói là người của viện vì sợ bị kỳ thị. Tôi gọi đó là sự thiệt thòi của những người làm ở đây".
BS Thân Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
"Việc cách ly với bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc cũng là một "đòn tâm lý" với mọi người. Không chỉ như vậy, nhiều điều dưỡng, y tá đã chia sẻ với tôi về việc họ bị bạn bè, bị hàng xóm kỳ thị khi biết họ là nhân viên y tế đang ở tâm dịch. Có bạn điều dưỡng còn không dám về nhà lấy quần áo vì hàng xóm nhắn tin đe dọa: "Không được về, thấy là đuổi đánh" vì cho rằng bạn ấy mắc COVID-19 (nCoV) sẽ lây bệnh cho mọi người.
Trong lúc vất vả, chịu đựng khó khăn, vượt qua sợ hãi để cứu trị cho mọi người mà lại bị đối xử như vậy, nhiều bạn y tá, điều dưỡng trẻ rất là tủi thân, khổ sở. Nhưng chúng tôi khi đã chọn nghề y đều đã lường trước khó khăn như vậy. Bệnh nhân có thể chọn bác sĩ, nhưng bác sĩ không được lựa chọn bệnh nhân. Càng khi người ta đau ốm, khó khăn, "xấu xí" nhất thì lại càng cần chúng tôi".
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương
Võ Thu
Những khuyến cáo quan trọng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét