Liên quan đến việc học sinh nghỉ học để phòng chống dịch bệnh do virus corona (Covid - 19) gây ra, đã có 63/63 tỉnh, thành phố cho phép học sinh nghỉ học kéo dài trong khoảng 2 tuần. Dù đồng tình với phương án cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe, song trên một số diễn đàn dành cho giáo viên, phụ huynh trên mạng xã hội cũng diễn ra khá nhiều cuộc tranh luận liên quan đến câu chuyện xung quanh việc học sinh được nghỉ học.
Cụ thể, không ít phụ huynh cho rằng giáo viên sẽ không phải làm gì trong thời gian nghỉ, trong khi phụ huynh vẫn phải vừa làm vừa bố trí trông con cái suốt cả 2 tuần. Thậm chí, một số phụ huynh thẳng thắn "than" tại sao nhà trường tạm ngừng hoạt động suốt cả nửa tháng, nhưng học sinh vẫn phải đóng học phí đầy đủ? Nhất là những phụ huynh có con học trường mầm non ngoài công lập, trường quốc tế, số tiền học phí lên đến hàng triệu đồng/tháng.
Nhiều có thắc mắc liệu con có được giảm học phí trong thời gian nghỉ học?
Lý giải vì sao các địa phương cho phép học sinh nghỉ học, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ GD&ĐT cho biết, đây không phải là nghỉ học bình thường mà nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh.
Theo ông Đề, các địa phương đã thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm (tại Điều 6, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm) và Nghị định số 127 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục, Quyết định số 2071/QĐ-BGDDT ngày 16/6/2017 Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học áp dụng từ năm học 2017 - 2018.
Trước những thắc mắc của phụ huynh về có được hoàn trả lại tiền học phí trong thời gian nghỉ phòng dịch bệnh hay không, luật sư Lương Thành Đạt (Công ty Luật Vì chân lý Themis) giải thích, theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép".
Do đó, theo luật sư Đạt, có thể xác định được dịch bệnh do virus corona được xác định thuộc sự kiện bất khả kháng. Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ như sau: "Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác".
Khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại: "Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác".
"Trong thời gian học sinh nghỉ học, trường học vẫn phải thanh toán tiền lương cho người lao động và các chi phí khác. Do vậy, nhà trường không phải chịu trách nhiệm bồi hoàn lại khoản học phí đã thu. Trừ trường hợp trong quy chế, nội quy nhà trường hoặc các cam kết giữa nhà trường và phụ huynh học sinh quy định khác" - luật sư Lương Thành Đạt chia sẻ.
Theo ghi nhận tại nhiều trường phổ thông ngoài công lập ở Hà Nội, học sinh được nghỉ nhà trường vẫn hoạt động, giáo viên tổ chức biên soạn bài tập, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà... Cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vẫn trực, vệ sinh, khử trùng lớp học, trường học. Nếu thời gian năm học kéo dài, nhà trường cho biết, sẽ không thu học phí ngày dạy bù.
Còn chủ cơ sở mầm non tư thục chia sẻ, thời gian trẻ nghỉ học, cơ sở vẫn phải trả lương giáo viên, nhân viên, bảo vệ và phần kinh phí này trích từ học phí. Ngoài mong sự thấu hiểu của phụ huynh, một số cơ sở mầm non cũng đang lên kế hoạch cân đối thu - chi để giảm học phí cho học sinh từ 25 - 50% của tháng này.
Phòng chống virus corona - những điều học sinh, phụ huynh và nhà trường cần làm
Quang Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét