Anh Y Ploi dạy đàn miễn phí cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đức Huy
Lớp học miễn phí
Khi mặt trời dần khuất sau rặng núi, chúng tôi mới tìm được đến nhà của anh Y Ploi (35 tuổi, trú tại làng Phung, xã Biển Hồ, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Thấy có khách tới, anh Y Ploi tất tả ra mời chúng tôi vào nhà.
Nhấp ngụm trà nóng hổi, Y Ploi tâm sự, từ nhỏ anh đã có niềm đam mê với âm nhạc. Tuy nhiên, do không có điều kiện nên anh chỉ nghe trên tivi, loa đài rồi bắt chước hát theo. Trên đường đến lớp hay mỗi lúc làm việc gì Y Ploi đều ngân nga những câu hát. Mãi đến lúc tốt nghiệp cấp 3, anh mới bắt đầu tham gia trình diễn trong tỉnh.
May mắn, trong những lần đi biểu diễn Y Ploi gặp gỡ và được song ca với một nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam. Sau lần đó, anh được cùng người nhạc sĩ này đi chu du khắp các tỉnh thành trên cả nước. Cũng từ đó, những câu hát của Y Ploi cứ thế bay bổng đến mọi người ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.
Với niềm say mê âm nhạc ấy, Y Ploi bắt đầu thi vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chuyên ngành Thanh nhạc, nhạc cụ. Tốt nghiệp đại học, anh trở về Gia Lai làm việc và dạy ở một số trường trên địa bàn tỉnh. Đan xen với việc dạy ở trường lớp, Y Ploi mong muốn những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng được học nhạc nên đã mở lớp học miễn phí.
"Trước đây cũng vì khó khăn nên mãi sau này mình mới được đi học đến nơi đến chốn. Do đó, mình không muốn những đứa trẻ có tài chỉ vì nhà nghèo mà không được thực hiện đam mê", anh Ploi chia sẻ.
Lớp học miễn phí cho trẻ em nghèo của Y Ploi chủ yếu dạy cho các em nhỏ ở làng Plei Pông Phrao và một số làng ở xã An Phú, Diên Phú, Biển Hồ. Tuy nhiên, do nhà không đủ diện tích để mở lớp nên anh Ploi được người bạn là Phom (làng Phung) cho mượn nhà để giảng dạy. Tiếng lành đồn xa, lớp học miễn phí mới mở được hơn 2 tháng đã có 22 cháu bé người Jrai theo học. Lớp học của Ploi dạy cho các cháu bé biết sử dụng đàn guitar, đàn organ, trống cajon.
Cháu Phếch cho hay, khi nghe tin thầy Y Ploi mở lớp học đàn miễn phí thì cháu và nhiều bạn khác vô cùng thích thú. "Lớp học của thầy Ploi dạy miễn phí nên cháu mới đi học được, chứ bình thường nhà cháu không có điều kiện. Ở đây cháu và các bạn được thầy Ploi chỉ dạy tận tình về các loại đàn. Từ ngày học thầy, các hoạt động văn nghệ ở trường cháu đều tham gia. Vui lắm ạ!", Phếch ngại ngùng nói.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi
Nhìn những học trò của mình đang đánh từng nốt trầm bổng, anh Ploi bỗng trầm buồn tâm sự, do mắc căn bệnh hiếm gặp nên anh quyết định sống một mình mà không lập gia đình. Với anh, những người học trò và 4 người con là niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi ngày.
Khi chúng tôi thắc mắc về 4 người con mà anh vừa nhắc đến, người đàn ông với nước da rám nắng hạnh phúc nói: "Đó là 4 người con nuôi của tôi. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày và thâm tâm, lúc nào tôi cũng nghĩ các con là con ruột của mình".
Anh Y Ploi ném ánh mắt ra phía màn đêm đen kịt cho hay, vào năm 2002 trong lúc đi làm anh nghe tiếng khóc của trẻ con. Sau một hồi tìm kiếm xung quanh, anh giật mình khi phát hiện một cháu bé bị bỏ lại ở bụi cây ven đường, người cháu bé bị kiến bu kín. Lúc này cháu bé chỉ thoi thóp thở với những tiếng khóc yếu ớt. Ngay lập tức anh Ploi đưa cháu bé đi cấp cứu và trình báo lên cơ quan công an. May mắn được các bác sĩ cứu chữa, các vết thương trên người cháu bé nhanh chóng lành lại. Tuy nhiên, do cháu bé không có người thân tới nhận, nên Ploi đã làm thủ tục xin về nuôi dưỡng.
Khi đưa con về nhà, anh chăm sóc và đặt tên cho con. Mặc dù không lập gia đình và chưa từng có con nên thời gian đầu anh Ploi loay hoay thay tã, cho con uống sữa. Tuy nhiên, sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các bà, các mẹ, anh bắt đầu thuần thục mọi việc hơn.
Cứ thế, cháu bé bị bỏ rơi ngày nào cùng anh sống vui vẻ và hạnh phúc bên nhau. Cháu bé ở với anh được 10 năm thì một gia đình tìm đến nhận là cha mẹ của cháu. Lúc đầu anh không tin, sợ bị lừa nhưng sau khi xác nhận thời gian, địa điểm và quần áo đứa trẻ mặc lúc bị bỏ rơi thì anh tin đó là người thân của bé.
Khi đó, anh vừa trách, nhưng cũng vừa mừng vì "con mình" đã tìm lại được gia đình ruột thịt. Mặc dù thương con, nhưng muốn con sống trong vòng tay của gia đình máu mủ của mình nên anh Ploi đã trình báo lên chính quyền địa phương và làm thủ tục để cháu bé về với người thân.
Sau thời gian đó, anh Ploi lại tiếp tục nhận nuôi một cháu bé 5 tuổi, khi phát hiện cháu ngồi khóc ở bụi cây. Người con thứ ba cũng được anh đưa về nuôi vì biết hoàn cảnh gia đình cháu bé vô cùng khó khăn. Do không nuôi được con nên gia đình đã gửi cho anh nhờ chăm sóc. Tuy nhiên, hai đứa trẻ cũng sống với anh được 1 năm rồi trở về đoàn tụ cùng gia đình mình.
Cách đây không lâu, một nữ sinh của trường cao đẳng nơi anh Ploi giảng dạy mang thai ngoài ý muốn và có ý định phá thai. Biết được chuyện này, anh Ploi đã tới khuyên nhủ, can ngăn và động viên nữ sinh giữ lại đứa bé. Sau nhiều ngày khuyên bảo và hứa hẹn sẽ giúp đỡ tiền bạc cho cô gái đến lúc sinh nở thì nữ sinh mới khóc nức nở đồng ý giữ bào thai. Cứ thế anh Ploi chu cấp tiền bạc cho sản phụ trong sự dòm ngó, bàn tán của mọi người xung quanh.
"Mình không sợ mọi người dị nghị vì mình giúp người, giúp giữ lấy một sinh mạng. Nhiều người muốn có con không được. Cái bào thai cũng không có tội lỗi gì. Nó đáng được sống, được yêu thương", anh Ploi tâm sự.
Đến ngày sản phụ chuyển dạ, anh Ploi cũng tất tả lo lắng rồi vào bệnh viện chăm sóc cả hai mẹ con. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi hạ sinh đứa trẻ, người mẹ nhắn anh Ploi nuôi con giúp rồi bỏ đi biệt tăm. Anh Ploi lại vừa đi làm vừa nuôi đứa con sơ sinh. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, mẹ già mắc bệnh ung thư, 7 người em vẫn còn đi học nên anh Ploi không đủ khả năng nuôi đứa trẻ nên đành gửi đứa trẻ vào tu viện nhờ các sơ chăm sóc.
"Hiện tại, tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt cho mẹ và các em của mình. Mặc dù cuộc sống có phần khó khăn, nhưng tôi vẫn hy vọng có thể góp chút sức lực giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh", anh Ploi nói.
Đức Huy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét