Dù phụ nữ hay đàn ông, mỗi người đều được tôn trọng trong gia đình và xã hội. Ảnh minh họa
Điều này đã được ghi vào luật pháp của nhiều nước. Trong gia đình nhiều đòi hỏi có tính chất truyền thống đối với người chồng không còn đặc trưng cho gia đình hiện đại nữa. Người vợ không còn coi chồng là đại diện duy nhất của quyền lực, là người kiểm soát gia đình.
Ngày nay những yêu cầu mới đã xuất hiện. Cả hai vợ chồng đều mong chờ tính kiên nhẫn, khả năng làm phong phú cuộc sống chung, hưởng ứng nhau về mặt tình cảm, tôn trọng nhau, phân trách nhiệm ngang nhau đối với gia đình và con cái. Những đòi hỏi đối với người bạn đời ngày càng nghiêng về mặt tinh thần.
Nhưng quyền bình đẳng đối với số đông bà vợ sẽ còn tiếp tục là điều mơ ước một khi họ còn chưa đạt được nó trong sự hợp tác ngang hàng với người chồng. Sự hợp tác này dựa trên cơ sở lòng tôn trọng lẫn nhau. Đó là sự hợp tác không đòi hỏi các bên phải quên đi những nét riêng của giới tính, những khác biệt tự nhiên đặc trưng thể hiện trong tính tình và khả năng làm việc của vợ hay chồng mình. Một khi đàn ông vẫn mặc định rằng chợ búa cơm nước, rửa bát lau nhà, giặt giũ là chức trách của người vợ thì vợ của anh ta sẽ không thoát khỏi được vai trò ôsin bán chuyên nghiệp.
Thống kê cho thấy, các bà vợ phải làm việc ngoài giờ không lương là rất nhiều. Số giờ họ phải làm thêm trong ngày khoảng từ 4-6 tiếng. Nhưng rất ít bà vợ dám đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó có quyền được nghỉ ngơi. Rất ít người vợ nói với chồng rằng: "Em và anh cùng làm việc nhà". Người phụ nữ tự giác nhận lấy những phần việc khổng lồ trong gia đình và cho rằng đàn ông đương nhiên không phải động chân động tay vào việc nhà. Nếu phụ nữ cứ quan niệm như thế thì không bao giờ có bình đẳng giới.
Điều tra xã hội học cho thấy, lại có một số ông chồng ngày nay không biết nhượng bộ, không có hình dung đúng đắn về hôn nhân, thiếu sự tế nhị và lòng tự trọng, không quen tham gia làm nội trợ. Không hề dễ dàng để làm một ông chồng trong gia đình hiện đại và văn minh vì họ vẫn ưu tiên mọi việc nhà cho vợ đảm nhiệm. Họ nói về bình đẳng rất nhiều. Họ ứng xử với vợ theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng pháp luật không quy định ai phải mặc tạp dề vào bếp, ai sẽ rửa bát lau nhà. Vì thế quyền bình đẳng của phụ nữ vẫn là bình đẳng nửa vời. Quyền bình đẳng thật sự không phải được khẳng định qua xác nhận miệng của ông chồng, bà vợ, cũng không dính dáng đến vẻ êm ấm bên ngoài của một gia đình. Nó phải được đo bằng hiệu quả của hôn nhân, đó là những giá trị đạo đức và văn hóa đã được tạo ra và nuôi dưỡng trong gia đình.
Những cặp vợ chồng bình đẳng không bao giờ cảm thấy mình bị thua thiệt. Hôn nhân giúp họ thực hiện và phát triển những gì tốt đẹp nhất của bản thân mình, làm giàu tinh thần và hoàn thiện nhân cách cho nhau, đó là bình đẳng thực sự nhưng chặng đường tới đích còn xa.
Tiểu phẩm của Khánh Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét