Trẻ con ở thành phố không biết cây nêu là gì. Ngày Tết phải về làng mới trông thấy cây nêu. Làng tôi nếu muốn điều tra hộ khẩu thì chỉ cần đếm cây nêu là biết làng đó có bao nhiêu gia đình. Cây nêu là một cây tre tươi, cao khoảng 5-6m. Không được dùng cây tre khô mà phải là cây tươi, trên ngọn còn chi chít những cành nhỏ và lá tre. Khi cây tre chưa bị chặt thì nó vẫn là cây tre bình thường, nhưng khi đã chặt để làm cây nêu thì nó trở thành biểu tượng văn hóa và có sự thiêng liêng của văn hóa. Nếu chưa trồng cây nêu thì phải dựng đứng lên để không ai bước qua nó. Nếu phụ nữ bước qua cây nêu thì cái cây đó phải chặt làm 9 khúc, thả trôi sông và phải tìm cây tre khác để làm cây nêu. Ngày 30 Tết là ngày lễ lên nêu, bao gồm việc trồng cây nêu trước sân nhà và làm mâm cỗ để cúng thần linh và tổ tiên. Ngày mùng 7 Tết là lễ hạ nêu, bao gồm việc hạ cây nêu xuống và làm mâm cỗ kính cáo thần linh tổ tiên. Chỉ lúc này tất cả những bánh trái trên bàn thờ mới được hạ xuống để dùng. Trong văn hóa Việt Nam, trồng cây nêu là để khẳng định chủ quyền lãnh thổ, đây là đất của nhà tôi, ma quỷ không được xâm phạm.
Cây nêu cao nhất và có lẽ cũng đẹp nhất làng tôi là của anh Nguyễn Hữu Hùng. Cây nêu của nhà anh Hùng cao 6m, trên ngọn có treo cờ Tổ quốc, một ngôi sao vàng 5 cánh và một cái đèn lồng đỏ. "Tôi chọn cây nêu cao nhất làng vì ông nội tôi là người cao tuổi nhất làng, năm nay cụ 105 tuổi. Chẳng ai quy định như thế cả nhưng tôi nghĩ người cao tuổi nhất phải có cây nêu cao nhất. Nước có độc lập thì nhà mới có chủ quyền nên trên ngọn cây nêu, tôi treo cờ Tổ quốc, chẳng ai dạy cả nhưng tôi nghĩ thế và làm như thế. Trồng cây nêu cao và đẹp thì trong năm làm ăn cũng may mắn hơn. Năm 2019 là năm Kỉ Hợi nhưng con lợn gặp đại họa vì dịch tả lợn Châu Phi. Những con lợn to béo phải đem đi tiêu hủy, nhiều người không cầm được nước mắt. Cả làng bị thiệt hại nặng vì dịch tả lợn, nhưng đàn lợn nhà tôi 26 con không hề hấn gì, vẫn ăn khỏe, lớn nhanh và dịp Tết vừa rồi bán được giá, thế là may mắn. Năm nay tôi cũng trúng vụ cây nêu ngày Tết. Năm ngoái người làng mình mua cây nêu với giá 120.000 đồng/cây. Tôi thấy đắt quá. Năm nay tôi lên miền núi khảo sát thị trường, đi chọn tre để làm cây nêu và khảo giá. Người ta bán mỗi cây 20.000 đồng. Tôi đặt cọc tiền mua 10.000 cây, thuê xe chở về nhà mình giá thành mỗi cây nêu là 30.000 đồng, tôi bán 60.000 đồng mỗi cây, nhân dân mua rẻ được một nửa và tôi cũng có 300 triệu đồng tiền lãi, thế là may", anh Hùng kể với tôi như vậy.
(Còn nữa)
Tiểu phẩm của Khánh Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét