Bố tôi là Nguyễn Hữu Dũng trong giấy báo tử ghi là hy sinh ở chiến trường C, tức là nước Lào, nhưng đất nước Lào rộng lắm, tôi làm sao biết bố nằm ở đâu. Nhưng ông nội tôi bảo: "Mày cứ đi đi, quyết tìm khắc thấy". "Nhưng cháu biết tìm ở đâu". "Mày qua cửa khẩu Lao Bảo, theo đường 9 đi thêm 38 cây số nữa sẽ gặp một con đường đất đỏ bên tay trái, đi thêm 12 cây số nữa sẽ thấy một cái bản người Lào, đi qua cái bản đó, qua một con suối thì thấy một cái lẻn đá. Ở đó có một cái hang. Bố mày nằm trong cái hang đó cùng một người nữa". Ông nội tôi nói như có người chỉ dẫn cụ thể vậy, rõ ràng từng chi tiết nhỏ. Và thế là tôi đánh xe đi. Ở đầu xe tôi treo băng rôn là đi tìm mộ liệt sĩ nên việc quá cảnh cũng dễ dàng. Qua cửa khẩu Lao Bảo 38km, tôi gọi điện cho ông nội. "Nhìn bên tay trái xem, có một con đường đất đỏ, bố mày đang đứng đợi ở đó". Đúng là có một con đường như ông nội tôi nói. Tôi rẽ vào con đường đó, đi thêm 12 cây số nữa thì gặp một cái bản của người Lào. Tôi gửi xe ở bản và lội qua một con suối rộng nhưng không sâu lắm. Trước mặt tôi đúng là có một cái lẻn đá nhưng không biết cái hang ở đâu. Tôi gọi điện cho ông nội thì được chỉ dẫn: "Đi tiếp một đoạn nữa rồi dùng dao phát sạch cây rừng mới thấy cửa hang". Tôi làm theo lời ông nội và quả nhiên thấy một cái cửa hang. Trong hang đá lạnh lẽo đúng là có hai ngôi mộ. "Con đã nhìn thấy hang và thấy hai ngôi mộ nhưng không biết ngôi nào là bố con". "Bố mày nằm bên trái. Thắp hương lên rồi đưa bố mày về". Có lẽ do hang đá lạnh lẽo nên xương cốt của bố tôi vẫn còn nhiều. Tôi rửa hài cốt của bố bằng rượu trắng rồi gói vào vải đỏ và đặt vào tiểu sành. Đường về thuận lợi hơn khi đi vì tôi không phải hỏi thăm gì nữa".
Câu chuyện của anh Hùng làm tôi nhớ lại cái Tết dữ dội 1971. Lúc đó đơn vị tôi đang bảo vệ ngầm Tà Lê, một con ngầm băng qua sông Sepon. Đường vận tải vào chiến trường bắt buộc phải qua ngầm Tà Lê. Nếu địch phá hỏng con ngầm này thì đường tiếp tế vào chiến trường sẽ bị tắc. Chúng ta phải làm một con ngầm khác để qua sông, nhưng thời gian là khá dài trong khi chiến trường đang rất cần từng viên đạn, từng cân gạo. Mọi năm dịp Tết cổ truyền địch không đánh. Nhưng năm đó địch ném bom rất quyết liệt vào khu vực ngầm Tà Lê, buộc đơn vị chúng tôi phải chiến đấu suốt cả 3 ngày Tết. Đó là những ngày rất ác liệt. Buổi tối, địch dùng B52 đánh phá trận địa chúng tôi. Tôi ngồi trong hầm thấy đất rung chuyển như động đất. Đây là tình huống bom đạn tránh người chứ người không thể tránh được bom đạn, bom rơi trúng hầm là chết. Sáng ra thấy trận địa đất đá ngổn ngang như trên mặt trăng. Chúng tôi cấp cứu người bị thương và chôn cất những người đã hy sinh.
(Còn nữa)
Tiểu phẩm của Khánh Hoàng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét