Cách ly đang là biện pháp hữu hiệu nhất để tránh nguồn lây bệnh ra cộng đồng. Ảnh: T.L
Nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau
Mới đây, Bộ Y tế vừa công bố trường hợp thứ 16 dương tính với virus COVID-19 (nCoV). Đây là cha của bệnh nhân N.T.D., công nhân trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc. Bệnh nhân không có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Nhưng ngày 11/2, ông thấy mệt mỏi thoáng qua, được cán bộ y tế ghi nhận, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Trước đó, ca nhiễm thứ 13 cũng có xác định dương tính nhiễm COVID-19 (nCoV) mặc dù không có hiểu hiện bệnh, không ho, không sốt.
Việc những bệnh nhân dù không có biểu hiện bệnh vẫn dương tính với virus chủng mới này khiến cho nhiều người lo lắng khi người nhiễm COVID-19 (nCoV) chủng mới có khả năng lây bệnh cho người khác ngay cả khi bản thân họ chưa phát lộ những triệu chứng?. Chưa có biểu hiện bệnh cũng có thể lây nhiễm thì phòng tránh sao?
ThS. BSCKII Nguyễn Hồng Hà - Chuyên gia Bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Medlatec, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam) cho rằng, người lành mang trùng là không có gì lạ. Có những người bị nhẹ, người bị nặng nên mọi người không nên quá hoang mang. Một trường hợp bị nhiễm virus sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau từ thể rất nhẹ không chú ý đến biểu hiện lâm sàng rõ hơn như có sốt, viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi; có trường hợp thấy tổn thương trên phổi, nặng hơn suy hô hấp, tổn thương hạ huyết áp, sốc…
Điều quan trọng chẩn đoán trong giai đoạn này phải dựa vào yếu tố dịch tễ. Chẳng hạn, ca bệnh đó có yếu tố dịch tễ như có đến nhà chơi với trường hợp dương tính COVID-19 (nCoV), tiếp xúc gần với trường hợp giám sát không?… Nếu có thể biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn, cần theo dõi những ngày sau. Nếu biểu hiện lâm sàng nhẹ và qua được thì đó là ca có biểu hiện lâm sàng nhẹ.
"Như vậy, xét nghiệm để tìm virus COVID- 19 (nCoV) giai đoạn này phải tập trung vào yếu tố dịch tễ rõ ràng, tức những người đi từ vùng dịch về, đặc biệt là Vũ Hán và những người tiếp xúc gần với người đã được xác định dương tính", ThS. BSCKII Nguyễn Hồng Hà cho hay.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng cho hay, người nhiễm virus COVID-19 (nCoV) có biểu hiện nhiều thể lâm sàng. Người mắc có thể không biểu hiện triệu chứng, có thể có sốt nhẹ, ho nhẹ, rát họng. Thể điển hình nhất là biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, khó thở, có viêm phổi sau chụp X-quang. Thể nặng, người bệnh xuất hiện phù phổi cấp, tổn thương phổi, suy hô hấp. Người có diễn biến nặng có thể xuất hiện biến chứng tổn thương gan, thận. Đến nay đáng mừng là đa phần các trường hợp nhiễm COVID-19 (nCoV) mới chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần.
Nguyên tắc phòng bệnh
Thời tiết hiện nay ở miền Nam nắng ấm có thể khống chế lây lan và tiêu diệt sự phát tán của virus. Nhưng miền Bắc đang trong tiết trời thuận lợi của virus phát triển, nguy cơ dịch bệnh nhiều. Các loại corona virus thông thường ở người bao gồm 229E, NL63, OC43 và HKU1 thường gây ra các bệnh về hô hấp từ nhẹ đến trung bình, giống như bệnh cảm cúm vậy. Bất cứ ai đều có thể mắc và nhiễm các loại virus này trong hầu hết cuộc đời của họ. Tuy vậy căn bệnh chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.
Triệu chứng điển hình bao gồm: Sổ mũi, ho, đau đầu, sốt nhẹ, đau, viêm họng; người mệt mỏi, mất sức. Ngoài ra, chúng cũng có thể gây ra các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản phổ biến ở những người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù không có biểu hiện bệnh nhưng COVID-19 (nCoV) vẫn có thể mắc nên mọi người cần chú ý. Đường lây cơ bản của COVID- 19 (nCoV) là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn… Theo đó, cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang (y tế) khi tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm hoặc nghi ngờ COVID-19 (nCoV), khi chăm sóc hoặc có tiếp xúc gần với người có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp như ho, khó thở, chảy nước mũi. Khi đến chỗ đông người, trên phương tiện giao thông công cộng… có thể đeo khẩu trang vải.
ThS.BSCKII Nguyễn Hồng Hà cho hay, triệu chứng của COVID-19 (nCoV) cũng tương đồng nhưng đây là virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc ngăn chặn virus chủ yếu do sức đề kháng của cơ thể. Khi cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp ta chống lại virus một cách tốt nhất. Nếu bị mắc bệnh, sức đề kháng tốt hơn cũng giúp loại trừ virus, cơ thể chóng tự khỏi.
Điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng. Thực tế, các ca nhiễm COVID-19 (nCoV) tử vong thường kèm các bệnh lý nền chứ không phải do chính virus. Do đó, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.
Phương Thuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét