Nhiều địa phương đã lên phương án để học sinh có thể trở lại trường học vào ngày 17/2 tới. Ảnh: Minh Lý
Thêm 6 học sinh ở Vĩnh Phúc được cách ly tập trung
Liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) trong ngành giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh về cho phép học sinh nghỉ thêm một tuần. Bởi tính đến chiều ngày 12/2, tỉnh Vĩnh Phúc có thêm 6 học sinh thuộc diện cách ly tập trung, đây đều là những học sinh đã từng tiếp xúc với nữ sinh N.T.T.D (có kết quả dương tính với COVID-19 (nCoV) vào ngày 6/2) Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Dựa trên tình hình hiện nay, ông Nguyễn Việt Hà, Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: "Sở GD&ĐT đã tham mưu đề xuất với UBND tỉnh cho hơn 300 nghìn học sinh nghỉ học thêm một tuần, từ 17 đến 23/2 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch của địa phương". Theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, trong thời gian nghỉ, các phương án dạy học, giao bài tập dưới dạng trực tuyến tiếp tục được thực hiện. Bên cạnh đó, các trường học tiếp tục tạm ngừng tất cả các hoạt động chính khóa, ngoại khóa. Triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trường, lớp…
Báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho thấy, qua rà soát cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đã đến và đi từ vùng có dịch, hoặc đã tiếp xúc với người được xác định dương tính với COVID-19 (nCoV) cho thấy, ngoài học sinh dương tính COVID-19 (nCoV) ở Trường THPT Võ Thị Sáu, có 2 giáo viên Trường tiểu học Gia Khánh B (Bình Xuyên) có chồng tiếp xúc trực tiếp với người dương tính với COVID-19 (nCoV). Trường mầm non Minh Quang có 4 học sinh là cháu ruột đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với COVID-19 (nCoV). Trường THCS Sơn Lôi có một học sinh đã tiếp xúc với bệnh nhân dương tính. Các trường hợp tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp khác được giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe, tự cách ly ở nhà.
Cũng theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, tính đến hết ngày 11/2, toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 38 học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở hiện đang được theo dõi sức khoẻ. Cụ thể, tại huyện Bình Xuyên có 26 học sinh. Trong đó, có 4 trường hợp ở Trường mầm non Sơn Lôi; THCS Sơn Lôi có 1 trường hợp và TH Gia Khánh B có 19 trường hợp. Huyện Phúc Yên có 11 học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng; huyện Tam Đảo có 1 học sinh Trường THCS Minh Quang có biểu hiện ho, sốt. Các nhà trường có giáo viên, học sinh xuất hiện triệu chứng ho, sốt, khó thở đã phối hợp với cơ sở y tế và gia đình theo dõi sát tình hình sức khỏe.
Nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch
Khác với Vĩnh Phúc, đối với một số địa phương khác, sau khi hết thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) 2 tuần (từ 3/2 đến hết 16/2) đã lên phương án, quyết định cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2. Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận đề xuất của Sở GD&ĐT Đồng Nai về việc cho học sinh, sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh trở lại trường vào ngày thứ Hai (17/2). Trong thời gian học sinh đi học trở lại, các đơn vị, trường học nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch, cho học sinh, phụ huynh, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ của học sinh….
Còn tại TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đang xem xét, cân nhắc trên cơ sở thống nhất ý kiến với Sở Y tế trong việc tham mưu UBND thành phố về quyết định thời gian học sinh trở lại trường học sau 2 tuần nghỉ học. Nhiều khả năng học sinh TP.HCM sẽ quay trở lại trường học từ đầu tuần sau (ngày 17/2).
Liên quan đến hoạt động cho phép học sinh nghỉ học cũng như điều kiện để học sinh đến trường trở lại, ngày 9/2, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn số 566/BYT-DP gửi Bộ GD&ĐT về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của COVID-19 (nCoV) tại cơ sở giáo dục, trường học. Theo đó, đối với các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho các cháu (nước sạch và xà phòng). Các địa phương hướng dẫn cho các cháu, cha mẹ học sinh, các thầy cô giáo về cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm, không để lây nhiễm COVID-19 (nCoV) trong trường học.
Bộ Y tế cũng đã đề nghị Bộ GĐ&ĐT chỉ đạo việc các trường đưa chương trình giảng dạy về COVID-19 (nCoV) vào chương trình dạy học cho học sinh, sinh viên biết cách phòng bệnh. Đối với những địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, tiếp tục theo dõi tình hình và chỉ cho các cháu đi học trở lại sau khi tiến hành tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế, các điều kiện trong phòng bệnh cho học sinh và sau trường hợp nhiễm COVID-19 (nCoV) đã được cách ly 14 ngày và không phát sinh ca mới.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn hỏa tốc tới các Sở GD&ĐT hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện khi học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV). Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để đón học sinh trở lại trường học theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố việc quyết định thời gian cho các đối tượng học sinh được nghỉ học hoặc đi học trở lại phù hợp với lứa tuổi và khu vực.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị đồng bộ các biện pháp để đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tinh thần của tất cả học sinh, giáo viên theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để sớm ổn định tình hình và duy trì nền nếp dạy học. Xây dựng kế hoạch học bù cho học sinh tại địa phương theo nguyên tắc phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục theo quy định. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ GD&ĐT sẽ quyết định việc điều chỉnh một số mốc thời gian trong Quyết định 2071/QĐ-BGDĐT ngày 16/6/2017 để các địa phương xây dựng kế hoạch học bù bảo đảm khả thi và thực hiện chất lượng, hiệu quả.
Bộ Y tế mới đây đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 (nCoV) trong trường học. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các nhà trường. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp: Tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên và cán bộ, giáo viên đeo khẩu trang đúng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi tới khu vực tập trung đông người hoặc khi tiếp xúc với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở.
Đảm bảo vệ sinh môi trường trường học: Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn thông thường khác; đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ nước sạch và xà phòng rửa tay. Khi phát hiện trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên có biểu hiện sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất, cơ quan quản lý để có biện pháp hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Quang Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét