Liên đã vào Đà Nẵng làm việc 4 năm, đây là cái Tết đầu tiên Liên về thăm nhà. Cô tham việc, định sang năm mới về nhưng nhìn mọi người xung quanh tấp nập sắm Tết, nói chuyện về quê..., tự nhiên Liên thấy nhớ nhà da diết, ruột gan cứ bồn chồn, buồn lặng. Mãi đến trưa 30 Tết, Liên mới quyết định về nhà.
Chẳng kịp chuẩn bị quà cáp, túm vội mấy bộ quần áo, Liên nhẩy ra đường đón xe, may gặp được chuyến xe cuối cùng.
Xuống xe, Liên chạy bộ 2 km về nhà. Vừa vào đến nhà thì đến giờ giao thừa. Mẹ lao ra đón, nước mắt ngắn nước mắt dài, líu ríu hỏi không kịp để con trả lời.
Cũng chẳng cần con trả lời, mẹ chạy đi pha nước lá mùi cho con rửa mặt. Mẹ bảo: "Tưởng con về sớm, mẹ đặt nồi lá mùi để con tắm tất niên, nhưng giờ con mới về thì rửa mặt, tay chân cho sạch sẽ rồi mai hãy tắm...". "Sao mẹ nghĩ con sẽ về?". Bố mách: "Năm nào mẹ con cũng đặt nồi nước lá mùi sẵn. Dù con đã nói không về nhưng mẹ con vẫn cứ nói "nhỡ đâu...". Bà ấy cứ để nồi nước ấy cho đến sáng hôm sau...". Mẹ chữa thẹn: "Hôm sau cả nhà được rửa mặt bằng nước thơm lại chẳng thích ư?".
Mâm cỗ cúng đã có sẵn mà Liên vẫn thấy mẹ lúi húi trong bếp, thì ra mẹ đang làm món trám nhồi thịt mà ngày ở nhà Liên rất thích. Thằng cháu mách: "Cháu cũng thích ăn nhưng bà không cho, bảo để chờ cô về cùng ăn. May mà cô về".
Đêm ấy, được nằm ôm mẹ ngủ, nắm bàn tay gầy xương xẩu, chai sần của mẹ mà tim Liên cứ quặn thắt vì thương. Vậy mà mẹ cứ thở dài: "Con gái mà tay chai thế này. Con làm có vất vả lắm không? Nếu vất vả quá thì về nhà, bây giờ ở nhà cũng khối việc, giàu thì chẳng được nhưng cũng không chết đói được. Về nhà, lúc ốm đau còn có mọi người".
Ngày Liên vào Đà Nẵng làm việc chẳng phải ham giàu mà chỉ mong kiếm được tiền đỡ đần bố mẹ. Có nhiều công ty may nhưng Liên lại chọn công ty nhỏ này để xin việc chỉ vì công ty không yêu cầu tay nghề mà còn được đào tạo nghề 3 tháng. Hấp dẫn hơn là được học tất cả các công đoạn may (không như các công ty lớn, may theo dây chuyền), thêm nữa, nhân viên được nhận đồ về nhà làm thêm.
Liên vốn khéo tay, nhanh trí nên học rất nhanh, lại thêm tính chăm chỉ, ham làm nên thu nhập của Liên rất cao, tháng nào Liên cũng gửi về cho mẹ, mong bố mẹ có cuộc sống khá hơn. Vậy mà, mẹ thủ thỉ: "Tiền con gửi về cho mẹ, mẹ gửi tiết kiệm cho con. Bây giờ cũng đủ để con mở cửa hàng. Con tính chuyện chồng con đi kẻo muộn. Con bận thì để mẹ lo cho nhé".
Liên ừ à cho qua chuyện vậy mà mẹ mừng quýnh: "Thế thì tốt rồi. Mẹ đã hẹn cậu ấy". Liên thiếp đi trong tiếng rì rầm, tính toán của mẹ.
Rồi "cậu ấy" cũng xuất hiện. Sau phút ngỡ ngàng, Liên phá lên cười, chàng rể mà mẹ chọn lại là thằng bạn "lọt trời rơi xuống" học cùng Liên từ thời cấp 2. Những năm vất vả kiếm tiền, Liên chẳng nhớ chút gì về cái thằng bạn nghịch như quỷ sứ nhưng cũng rất đỗi thông minh ngồi cạnh mình ngày xưa nữa. Nhưng khi gặp lại, những kỷ niệm xưa ùa về, hai đứa thi nhau kể, thi nhau cười, cười quên hết mọi vất vả lo toan đời thường, chỉ còn hai đứa trẻ vô tư hồn nhiên để rồi khi chia tay đã học được từ Anh và Em...
***
Xe vẫn lắc lư lăn bánh, ánh đèn đường cùng những bóng cây loang loáng lướt qua. Mấy ngày Tết tưởng về nhà chỉ có ăn và ngủ vậy mà chẳng ngày nào ngủ được, cứ đặt mình xuống là những chuyện ban ngày cứ lao xao, nhẩy nhót trước mắt khiến trái tim bồi hồi. Tưởng lên xe sẽ ngủ bù mà sao mắt không sao nhắm lại, cứ muốn nhìn trong bóng đêm kia những hình ảnh ấm áp yêu thương ngập tràn hạnh phúc của những ngày qua.
Chẳng có nơi nào ấm áp hơn là nhà. Chưa hết tết Liên đã nghĩ: Tết năm sau mình sẽ tự tay may biếu mỗi người một bộ đồ thật đẹp, thật khác kiểu của "thương hiệu Liên"... Và tất nhiên là sẽ may cả cho... "cậu ấy".
Theo PNVN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét