Việt Nam đạt được thắng lợi trong chiến dịch mở màn, khi chữa khỏi hoàn toàn cho 16 ca nhiễm, khống chế nguồn lây và hơn 20 ngày không có ca nhiễm mới. Từ khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện, chúng ta đã thực sự bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến này. Lúc này, dịch bệnh đã lan rộng ra gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 170.000 ca nhiễm, gần 6.600 ca tử vong. Với diễn biến phức tạp đó, hiện nay Việt Nam đã ghi nhận gần 60 ca mắc COVID-19. Giai đoạn 2 của cuộc chiến đã trở nên khó khăn hơn nhiều, khi dịch bệnh tấn công từ trăm ngả.
Trong bất cứ trận chiến nào, tuyến đầu vẫn là nơi gặp nhiều cam go, nguy hiểm nhất. Trận chiến chống lại dịch COVID-19 này, tuyến đầu - tập thể cán bộ y tế - những "chiến sĩ" áo trắng đang phải hy sinh rất nhiều để toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Khi các ca nhiễm bệnh và những ca có nguy cơ cao tăng lên, cường độ làm việc của các y, bác sĩ nơi tuyến đầu ngày càng chịu áp lực. Điều đáng trân quý là các bác sĩ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ không nề hà dịch bệnh nguy hiểm. Họ đang ngày đêm làm việc bằng tất cả trách nhiệm, quyết tâm ngăn chặn dịch COVID-19, bảo đảm sức khỏe người bệnh, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Cuộc chiến với "giặc COVID-19" không thể chỉ ngày một, ngày hai là kết thúc. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Phó Thủ tướng yêu cầu những ngày tới phải tiếp tục đề cao kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia
Trong thời điểm quyết định này, những "chiến sĩ" áo trắng ở tuyến đầu rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng lòng, chia sẻ từ các cơ quan chức năng và cộng đồng cả về nguồn lực, trang thiết bị bảo hộ và cả tinh thần để yên tâm cống hiến sức lực, trí tuệ trong phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, rất cần sự hỗ trợ của công tác tuyên truyền, cung cấp các kiến thức phòng, chống dịch bệnh, quy trình cách ly, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm… của hệ thống truyền thông cho tuyến dưới và người dân hiểu để có biện pháp xử trí, phòng ngừa đúng đắn.
Để giúp ngành Y tế kiểm soát tốt dịch bệnh, đồng thời giảm tải cho các bác sĩ, nhân viên y tế, mỗi người dân cần góp sức bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chức năng; nắm rõ về tình hình dịch bệnh không hoang mang nhưng cũng không chủ quan, lơ là với dịch. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, nhân viên y tế, cùng sự tiếp sức của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, đoàn kết một lòng của người dân, nhất định chúng ta sẽ khống chế, đẩy lùi dịch bệnh và thắng cả cuộc chiến này.
Hà Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét