Sáng nay (6/5), tại trụ sở TAND Tối cao (Hà Nội) mở phiên giám đốc thẩm vụ án tử tù Hồ Duy Hải bị kết án về 2 tội "Giết người" và "Cướp tài sản", xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An).
Phiên tòa do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Ngoài ra, TAND Tối cao còn mời luật sư Trần Hồng Phong, Đoàn Luật sư TP HCM, tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải tại phiên giám đốc thẩm.
Đây là phiên tòa đặc biệt nên bị cáo Hồ Duy Hải không được triệu tập như phiên sơ thẩm và phúc thẩm. Hội đồng thẩm phán chỉ triệu tập những người đã thực hiện các tố tụng ở các cấp đã xét xử như điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên, luật sư theo đúng quy định của luật mới.
An ninh được thắt chặt bên ngoài trụ sở TAND tối cao.
Theo ghi nhận của phóng viên, quanh khu vực trụ sở Toà án nhân dân Tối cao, lực lượng an ninh được thắt chặt. Rất đông cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông được huy động để đảm bảo an ninh.
8h sáng, mẹ và em gái tử tù Hồ Duy Hải xuất hiện trước cổng trụ sở toà án. Do không được vào trong, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải) nóng lòng đi lại liên tục ở phía bên ngoài.
Trao đổi với phóng viên, bà Loan cho biết, từ năm 2008 đến nay gia đình đã liên tục làm đơn kêu oan, kháng cáo bản án oan tội "Giết người", "Cướp tài sản" đối với Hồ Duy Hải.
Sau hơn 10 năm mới có phiên toà giám đốc thẩm, lần này bà hi vọng TAND tối cao sẽ thật công tâm và đòi lại được công lý và trả tự do cho con trai mình.
Bà Nguyễn Thị Loan (đứng giữa) cùng người thân của tử tù Hồ Duy Hải nóng lòng chờ đợi bên ngoài phiên giám đốc thẩm.
Theo diễn biến vụ án, sáng 14/1/2008, người dân phát hiện 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi (tỉnh Long An) bị sát hại tại nơi làm việc.
Trong vòng 1 tuần sau khi xảy ra vụ án mạng, nhiều thanh niên trong khu vực hoặc có quan hệ tình cảm, quen biết với 2 nạn nhân đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thẩm tra xét hỏi. Trong số đó, có một nghi can tên là Nguyễn Văn Nghị, là bạn trai của 1 trong 2 nạn nhân. Hai tháng sau đó, Hồ Duy Hải bị bắt và bị kết luận là hung thủ. Sau đó, cả 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội "Giết người", "Cướp tài sản".
Ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSND Tối cao ban hành quyết định không kháng nghị vụ án, TAND tỉnh Long An cho biết sẽ tổ chức thi hành án. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo đã nhận được đơn kêu oan của mẹ Hồ Duy Hải, yêu cầu tạm dừng thi hành án.
Bị cáo Hồ Duy Hải (bên phải) - Người bị buộc tội là hung thủ giết người tại Bưu điện Cầu Voi. (Ảnh do gia đình Hồ Duy Hải cung cấp)
Bà Loan kể thời điểm khoảng năm 2015, sau khi con bà được tạm hoãn thi hành án, đích thân bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đến trại tạm giam gặp Hải để tìm hiểu về vụ án. Sau đó bà và các luật sư may mắn được gặp bà Nga tại TP.HCM để trình bày về đơn kêu oan.
Sau đó có lần bà Loan cũng tìm đến nhà bà Nga ở Hà Nội. "Tối hôm đó trời mưa to lắm, tôi đứng đợi bà Nga ở ngoài, đúng lúc bà Nga cùng gia đình đi đâu về rồi bảo rằng theo luật không được tiếp công dân ở nhà riêng nên chỉ có thể mời tôi và một người đi cùng vào sảnh ngồi tránh mưa cho đỡ lạnh. Bà Nga đã động viên tôi rất nhiều", bà Loan bộc bạch.
Ban đầu bà Loan mời luật sư Nguyễn Văn Đạt (Đoàn LS TP.HCM) tham gia bào chữa cho Hải ngay từ giai đoạn xét xử sơ thẩm ở TAND tỉnh Long An. Thế nhưng sau đó tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND Cấp cao tại TP.HCM) bác đơn kháng cáo kêu oan của Hải, tuyên y án sơ thẩm tử hình.
Từ đó luật sư Đạt đã giới thiệu cho gia đình bà Loan đến gặp luật sư Trần Văn Tạo (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM). Sau khi nghiên cứu hồ sơ, ông Tạo đã trực tiếp gọi điện thoại trình bày với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để nói về vụ án còn quá nhiều uẩn khúc.
Nhân chứng Đinh Vũ Thường xác nhận không nhận dạng được thanh niên tối 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi.
Vụ án còn có sự tham gia của luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn LS TP.HCM). Trực tiếp luật sư Phong cùng với bà Loan ra Hà Nội gặp các cơ quan chức năng có thẩm quyền để trình bày vụ án.
Từ sự kiên trì của người mẹ quyết giữ mạng sống cho con cùng với sự hỗ trợ pháp lý hết mình của ba luật sư, kết quả bước đầu cũng đến. Ngày 4/12/2014 trước thời khắc thi hành án tử hình với Hải một ngày, Phó chánh án TAND tỉnh Long An đã ký tên, đóng dấu vào tờ đơn viết tay của bà Loan đồng ý hoãn thi hành án tử hình đối với Hải. Nhờ vậy mà bà Loan mới còn cơ hội tiếp tục đi kêu oan cho con.
Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM.
Theo kháng nghị của Viện KSND tối cao, toà hai cấp có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án. Việc thu nhập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ. Nhiều nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.
Trong đó, cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được, kết luận giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải, nhưng là của ai cũng không được làm rõ…
Biên bản xác nhận mua tấm thớt mua ở chợ giao nộp cho công an đưa vào hồ sơ vụ án.
Cụ thể, kết luận giám định cho thấy tại hiện trường vụ án thu được nhiều dấu vân tay trên cửa kính và trên vòi nước ở lavabô. Các dấu vân tay này không trùng với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải.
Sau đó, kết quả giám định dấu vân tay bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Tại phiên toà sơ thẩm, Viện KSND tỉnh Long An cho rằng "dấu vân tay không giám định được".
Ngoài ra, sau khi bắt giam Hồ Duy Hải, cơ quan điều tra mới cử người ra chợ mua dao, thớt dùng để làm chứng cứ buộc tội. Quá trình điều tra, bị cáo cũng không tự vẽ con dao, mà con dao do điều tra viên vẽ trước rồi đưa cho Hải nhận dạng.
Cơ quan tiến hành tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.
Tại thời điểm xảy ra vụ án, Nghị là người yêu của một trong hai nạn nhân. Trong đêm xảy ra vụ án, Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi. Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nghị, nhưng sau đó toàn bộ thông tin về Nghị bị rút khỏi hồ sơ vụ án.
Hồ Duy Hải cùng bà ngoại khi vụ án mạng ở Bưu điện Cầu Voi chưa xảy ra (ảnh do gia đình Hồ Duy Hải cung cấp)
Viện KSND tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng như không trưng cầu giám định vết máu, bỏ sót chứng cứ vụ án, không đưa lời khai của Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
Ngoài ra, Viện KSND tối cao xác định, lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, dù những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của cơ quan điều tra.
Nói về hành trình đi tìm công lý, bà Loan tự hỏi rằng có người mẹ nào chịu nhiều đau khổ như bà, có đứa con nào chịu nhiều đau đớn, giày vò về thể xác và tinh thần như Hồ Duy Hải?.
"Một người mẹ gầy còm đội trên 2.000 bộ đơn đi từ Nam ra Bắc để cầu cứu cho con. Tôi đi với một tâm trạng rất nặng nề, tâm hồn sầu não chỉ có nước mắt làm bạn với tôi trên mọi nẻo đường, chẳng biết khóc cùng ai. Lặng lẽ mình đi với một tâm trạng không giống ai vì hai chữ công lý", bà Loan chực khóc.
Nhật Tân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét