Thông tin từ Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến sáng 4/5, Việt Nam ghi nhận 271 ca mắc COVID-19. Đã có 219 bệnh nhân khỏi bệnh, số điều trị trong các cơ sở y tế còn 52 người.
Hiện, số bệnh nhân diễn biến nặng vẫn giữ ở mức 3 người, gồm: bác gái bệnh nhân 17 và bệnh nhân 161 điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2; bệnh nhân 91 điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Tới sáng 4/5, bác gái bệnh nhân 17 hiện tiếp tục thở máy qua mở khí quản, thông khí 2 bên rõ. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt. Ăn nhỏ giọt qua sonde, đỡ trào ngược. Da niêm mạc hồng. Bệnh nhân trong ngày không sốt.
Bệnh nhân này xác định mắc COVID-19 sau cháu gái (bệnh nhân 17) đúng 1 ngày (6/3). Đến nay, đây là bệnh nhân COVID-19 điều trị lâu nhất ở nước ta, khoảng 60 ngày, trong đó gần 50 ngày vào khoa Hồi sức tích cực.
Ảnh minh hoạ
10 ngày sau khi vào viện, bệnh nhân trở nặng, phải thở máy sau đó chuyển sang can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) liên tục từ ngày 19/3. Trong quá trình này, sức khoẻ của bệnh nhân có nhiều tiến triển, đã không còn phải phải can thiệp ECMO từ ngày 6/4.
Tuy nhiên, đêm 7/4, rạng sáng 8/4, bệnh nhân có tổn thương tim với 3 lần ngừng tuần hoàn, sốc tim. Các chuyên gia hội chẩn liên tục, xuyên đêm, cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tiến triển tốt hơn. Bệnh nhân đã âm tính nhiều lần với COVID-19.
Với bệnh nhân 161 (88 tuổi) hiện thở máy qua mở khí quản, thông khí 2 bên rõ, không ran, đờm ít, đặc, ngày qua các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân tập thở.
Gọi hỏi có giao tiếp chậm, hiện vẫn liệt cứng 1/2 người trái; bệnh nhân được tập vận động thụ động 2 lần/ngày. Bệnh nhân cũng đã đỡ phù vùng cánh tay trái, mí mắt. Bệnh nhân hiện không sốt.
Cụ bà 88 tuổi, quê Hưng Yên này là bệnh nhân COVID-19 cao tuổi nhất Việt Nam. Trước đó, ngày 25/3, bệnh nhân được chuyển từ khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai sang khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2), với chẩn đoán chảy máu não thất, phát hiện tăng huyết áp 2 tuần, chụp CT phổi có tổn thương phổi trái.
3 ngày sau khi nhập viện, tới ngày 28/3, bệnh nhân có xu hướng tổn thương phổi tăng hơn. Tới ngày 2/4, bệnh nhân này phải thở ôxy, sau đó mở nội khí quản và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực. Sau đó được chỉ định thở máy.
Người thứ 3 có diễn tiến nặng là bệnh nhân 91. Hiện nam phi công Vietnam Airlines người Anh, 43 tuổi này vẫn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân nằm yên, dùng an thần, không sốt, bị tràn khí màng phổi phải đã dẫn lưu. Tiểu ban Điều trị đánh giá bệnh nhân này vẫn rất nguy kịch, tiên lượng còn nặng.
Trước đó, ngày 17/3, người đàn ông từng đến quán bar Buddha này khởi phát sốt, ho và đến chiều 18/3 tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM khám, nhập viện với tình trạng X-Quang có tổn thương nhu mô phổi phải. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM xét nghiệm dương tính vào khuya ngày 18/3.
Mẫu bệnh phẩm tại Viện Pasteur TPHCM dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 20/3. Từ đó đến nay, gần 50 ngày, bệnh nhân tiếp tục điều trị. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn tiến nặng nhanh, liên tục.
Từ 6/4, do diễn biến nặng, bệnh nhân được đặt ECMO, phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu, các bác sĩ phải đặt vấn đề mua thuốc ở nước ngoài về điều trị cho bệnh nhân này bởi bệnh nhân kháng tất cả các loại thuốc đông máu trong nước.
Bệnh nhân này có cơ địa đặc biệt, có yếu tố béo phì (chỉ số khối cơ thể lên tới 30,1). Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này đã nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính - dương tính liên tục xen lẫn. Kết quả xét nghiệm lần gần đây nhất - ngày 30/4, bệnh nhân này đã âm tính với SARS-CoV-2.
Q.An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét