Bộ GD&ĐT vừa công bố lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT theo Thông tư số 58. Điểm mới nổi bật trong dự thảo đó là một số nội dung đánh giá học sinh kết hợp đánh giá bằng nhận xét và đánh giá bằng điểm số. Việc này thực hiện ở hầu hết các môn học, trừ Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục.
Bên cạnh đó, sẽ có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá như: hỏi - đáp, thuyết trình, kiểm tra viết trên giấy hoặc trên máy tính, đặc biệt chú trọng kiểm tra đánh giá thông qua các sản phẩm học tập, sản phẩm thực hành.
Dự thảo thống nhất số đầu điểm đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ cho mỗi môn học, theo hướng giảm số đầu điểm so với quy định hiện hành, không còn điểm kiểm tra 1 tiết nữa. Tổng số đầu điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ một năm học của một môn học, nhiều nhất là 6, giảm so với hiện nay.
Học sinh trung học sắp tới có thể được giảm bớt bài kiểm tra, tăng cường nhận xét. Ảnh TL
Điểm kiểm tra đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, điểm kiểm tra đánh giá giữa kì được tính hệ số 2, điểm kiểm tra đánh giá cuối kì được tính hệ số 3; trong tính điểm tổng kết cuối năm học. Bên cạnh hình thức chấm điểm thì có đánh giá khuyến khích học sinh, chẳng hạn như: Học sinh có tiến bộ, có cố gắng, học sinh thực hiện được những yêu cầu học tập...
Điểm mới nữa trong dự thảo Thông tư là tăng cường vai trò môn Ngoại ngữ trong xét danh hiệu học sinh giỏi; mở rộng hơn đối tượng khen thưởng. Cụ thể, dự thảo Thông tư bổ sung quy định: Nếu học sinh không đủ điều kiện để đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh khá nhưng đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong học tập, rèn luyện thì được hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen.
Dự thảo cũng sẽ bỏ việc đánh giá, xếp loại "học sinh yếu" tại quy định hiện hành, thay vào đó là cụm từ "cần rèn luyện thêm" đối với học sinh xếp loại từ trung bình trở lên. Theo đánh giá của một số nhà quản lý giáo dục, giáo viên trung học, dự thảo của Bộ GD&ĐT có nhiều nét phù hợp với thực tiễn hiện nay, học sinh được đánh giá toàn diện hơn và được tôn trọng, khích lệ trong học tập.
Chia sẻ quan điểm về cách đách giá học sinh, cũng như dự thảo của Bộ GD&ĐT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, áp dụng cách đánh giá học sinh THCS, THPT trong quá trình học tập là việc cần thiết, đảm bảo đúng chất lượng giáo dục và khả năng nhận thức của học sinh. Việc kết hợp giữa nhận xét và điểm số cũng rất phù hợp, giúp học sinh biết mình đang ở mức độ nào, cần phấn đấu hơn nếu kết quả chưa tốt.
"Bộ GD&ĐT nên có giới hạn số bài kiểm tra đánh giá thường xuyên ở mức tối đa và tối thiểu. Nếu Bộ nói không giới hạn số bài kiểm tra, đánh giá học sinh, tùy theo điều kiện dạy học, yêu cầu học tập có thể dẫn tới tình trạng nơi tổ chức kiểm tra nhiều, nơi kiểm tra ít tạo ra sự khác biệt giữa các học sinh" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ thêm.
Quang Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét