Tính đến 8h00 sáng nay, 4/5, thế giới ghi nhận 3.563.335 người nhiễm bệnh, 248.135 người tử vong. Hiện đã có 1.153.847 bệnh nhân được điều trị khỏi, vẫn còn 50.040 người trong tình trạng nguy kịch và 2.111.313 người đang được điều trị tích cực. Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong vòng 24 giờ ngày qua, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Đến sáng nay, Mỹ có 1.187.768 ca nhiễm (tăng 26.994) và 68.587 ca tử vong (tăng 1.143). Với số ca tử vong thấp nhất trong gần 1 tháng qua, nước Mỹ bắt đầu có xu hướng giảm nhiệt, đi qua đỉnh dịch.
Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận hơn 1.100 ca tử vong. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Để có được vaccine đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1/2021, hiện Mỹ đang ráo riết điều chế 14 loại vaccine (được chọn từ 93 loại vaccine do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu) theo chương trình "Operation Warp Speed" trong vòng tối đa 8 tháng.
Trong 24 giờ qua, Anh và Brazil là hai quốc gia tiếp theo có số ca tử vong cao đứng sau Mỹ. Tổng số ca nhiễm của Anh đang là 186.599 (tăng 4.339), trong đó có 28.446 ca tử vong (tăng 315).
Trong tuần này, nước Anh sẽ tiến hành thí điểm các thủ tục xét nghiệm, tìm kiếm và truy vết mới ở Đảo Wight nhằm ngăn chặn nguy cơ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Brazil bất ngờ đứng thứ ba về số ca tử vong trong ngày với 275 ca. Hiện quốc gia này lọt vào top 10 nước có có tổng số ca nhiễm cao, với 101.147 (tăng 4.588) ca và 7.025 người thiệt mạng vì dịch bệnh.
Tây Ban Nha, Đức và Italy tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong giảm rõ rệt. Quốc gia đứng thứ hai thế giới về tổng số ca nhiễm, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 1.533 ca nhiễm mới, 164 người tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại Tây Ban Nha đang là 247.122 và 25.264.
Quốc gia này nối dần lại các hoạt động vào cuối tháng 6 tới theo 4 giai đoạn. Người dân Tây Ban Nha được tự do ra khỏi nhà từ hôm 1/5, sau 7 tuần hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Số liệu của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy, số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Nam Âu này đã giảm mạnh. Đến sáng ngày 4/5, Italy ghi nhận 1.389 ca nhiễm mới và thêm 174 người thiệt mạng. Có thể nói đây là ngày có số ca tử vong thấp nhất tại Italy kể từ hôm 10/3.
Người dân Italy đeo khẩu trang tại bến xe buýt. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại Pháp, tính đến sáng 4/5 (theo giờ Việt Nam), số ca nhiễm mới là 297 người và 135 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong ở nước này lên 24.895 và 168.693. Trong 25 ngày qua, Pháp ghi nhận số bệnh nhân nặng cần hồi sức tích cực đã liên tục giảm. Hiện có 25.815 bệnh nhân COVID-19 đang nằm viện, trong đó có 3.819 trường hợp đang được điều trị đặc biệt (giảm 8 ca).
Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner, người dân đã được phép trở lại nơi ở chính của họ sau một thời gian về quê hoặc đến ở tại nhà nghỉ gia đình trong thời gian phong tỏa trên toàn quốc. Dự tính từ ngày 11/5, nước Pháp mở cửa trở lại.
Trong 24 giờ qua, nước Nga trải qua một ngày tồi tệ khi ghi nhận thêm 10.633 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia này lên tới 134.686. Hiện Nga đang có 1.280 người thiệt mạng vì COVID-19 (tăng 58).
Xe cứu thương di chuyển tại khu vực Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Cơ quan kiểm soát và bảo vệ tiêu dùng Nga, đến nay nước này đã tiến hành hơn 4,1 triệu xét nghiệm. Tại thủ đô Moscow, kể từ ngày 30/4, số lượng xét nghiệm SARS-CoV-2 được tăng gấp đôi. Số người bình phục tại Nga là 16.639 (tăng 1.626), số người đang phải điều trị tích cực là 116.768, có 2.300 người đang trong tình trạng nguy kịch. Đáng chú ý, có tới 50,3% số ca nhiễm mới tại Nga không có triệu chứng.
Nhật Bản đang đối mặt và nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19 song tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng tới người dân và hệ thống y tế nước này quá sức tưởng tượng. Theo thống kê đã có khoảng 1.390 bệnh nhân cấp cứu nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 (trong khoảng thời gian từ 1-18/4) đã bị từ 5 bệnh viện trở lên từ chối, hoặc phải đợi hơn 20 phút mới tìm được điểm đưa đến cấp cứu. Thậm chí có bệnh nhân đã bị 110 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận.
Nhật Bản có có khoảng 11.000 giường bệnh được trang bị để chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện tổng số bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 phải điều trị nội trú là 6.600 người. Tuy nhiên, theo số liệu của NHK công bố, có 6 tỉnh thông báo rằng hơn 80% số giường bệnh đã kín, trong đó có 4 tỉnh đang trong tình trạng báo động đặc biệt như Tokyo, Hyogo, Osaka và Ishikawa. Các tỉnh này cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế cũng như khẩu trang và các đồ bảo hộ cá nhân.
Các chuyên gia Nhật Bản lo ngại khả năng sụp đổ hệ thống y tế đang rất gần. Ảnh minh hoạ
Các chuyên gia Nhật Bản lo ngại khả năng sụp đổ hệ thống y tế đang rất gần nếu không có những biện pháp mạnh mẽ, nhất là hiện nay có nhiều bệnh viện ở Tokyo đang trở thành ổ dịch với hàng chục bác sĩ, y tá nhiễm bệnh. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Nhật Bản dự kiến sẽ tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng bắt đầu từ hôm nay 4/5.
Tính đến sáng nay, Nhật Bản ghi nhận 14.877 ca nhiễm (tăng 306) và 487 ca tử vong (tăng 13).
Tại châu Á, sau 1 ngày không có ca nhiễm mới, đến sáng 4/5, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trở lại trên 10 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại sau khi đã được công bố khỏi bệnh và hết cách ly đã tăng lên trên 300 ca.
Đến sáng 4/5, Hàn Quốc có tổng số ca nhiễm là 10.793 (tăng 13) và 250 ca tử vong.
Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore tiếp tục tăng mạnh số ca nhiễm mới. Đến sáng nay 4/5, quốc gia này ghi nhận thêm 657 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 18.205 ca. Ca nhiễm mới tại đây phần lớn vẫn là những người lao động nhập cư sống tại các khu nhà ở tập thể.
Philippines là nước thứ hai trong khu vực có số ca nhiễm cao, đến sáng nay, tổng số ca nhiễm tại đây là 9.233 và 607 ca tử vong. Bắt đầu từ ngày 3/5, Philippines sẽ ngừng tất cả các chuyến bay chở khách đến trong vòng 7 ngày để xử lý tình trạng các trung tâm cách ly đang quá tải khi hàng nghìn lao động Philippines hồi hương.
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thái Lan ghi nhận số lượng các ca mắc mới có xu hướng giảm mạnh. Đến sáng nay, Thái Lan có tổng cộng 2.969 ca nhiễm, 54 ca tử vong, số bệnh nhân đã phục hồi lên tới 2.739. Thái Lan đã có 7 ngày liên tiếp số ca mắc mới dưới 10 người, và có 3 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca tử vong.
H.Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét