CA quận Tây Hồ đang tạm giữ hình sự đối tượng Quách Văn Nam (31 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ) để làm rõ hành vi giết người. Theo một số người dân tại ngách 378/65 Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ), sáng 2-5, họ nghe tiếng vợ chồng Quách Văn Nam và chị D.K.H (21 tuổi) cãi vã. Tới khoảng 9g sáng cùng ngày, lực lượng chức năng đến yêu cầu mở cửa thì mọi người tá hỏa biết Nam đã sát hại vợ và bé Q.P.T (2 tuổi, con trai của Nam).
Sau khi nhận được tin báo từ gia đình, CA phường Bưởi đã phối hợp với CA quận Tây Hồ nhanh chóng có mặt phong tỏa hiện trường, tổ chức khám nghiệm tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ án. Đồng thời, chia sẻ, động viên gia đình nạn nhân. Hiện vụ việc đang được CA quận Tây Hồ phối hợp với các cơ quan chức năng TP Hà Nội tích cực điều tra, làm rõ.
|
Hiện trường xảy ra vụ án và nghi phạm Quách Văn Nam. |
Liên quan đến vụ án này, TS Tâm lý học Nguyễn Kim Quý, phòng Tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý cho trẻ, Trung ương Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhận định, vụ việc là sự báo động về sự băng hoại về đạo đức. Điều đáng bàn, sự gắn kết trong gia đình Việt Nam theo chuẩn mực truyền thống, đạo đức đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng.
"Sở dĩ có những vụ án đau lòng như chồng sát hại vợ và con ở Tây Hồ là do sợi dây kết nối hôn nhân lỏng lẻo. Trong cuộc sống gia đình, nếu không có sự nhường nhịn, ai cũng đề cao cái tôi thì những mâu thuẫn nhỏ như "đốm lửa" sẽ bùng thành "đám cháy lớn", từ những mâu thuẫn trong lời nói sẽ dẫn đến hành động bạo lực", TS Kim Quý nhìn nhận.
TS Kim Quý cũng cho rằng, một vấn đề trong những vụ án xảy ra trong gia đình là áp lực cuộc sống. Áp lực về việc làm, mưu sinh, tranh chấp, tiền bạc, tình ái, tác động trực tiếp vào mỗi người, làm thay đổi những giá trị sống. Khi con người sống ích kỷ, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu xảy ra chuyện các thành viên trong gia đình ứng xử lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau.
Vì vậy, khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột… nhiều người không cố gắng tìm cách "hóa giải" mà lại nghĩ đến những hành vi tiêu cực, bạo lực. Điều đó cũng có nghĩa, những người thân trong gia đình cần quan tâm, không chỉ là biết, mà quan trọng là có những giải pháp để giải tỏa tâm lý bức xúc của các đối tượng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của đối tượng Quách Văn Nam, nghi can trong vụ dùng dao sát hại vợ và con trai 2 tuổi của mình đã thể hiện sự độc ác, man rợ khi xuống tay sát hại những người thân trong gia đình chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt.
Hành động tước đi quyền được sống của vợ và con trai của đối tượng này đã có dấu hiệu của tội Giết người theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định rất rõ về quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng của công dân và xử lý nghiêm những đối tượng xâm phạm tới quyền này. Luật sư Thái phân tích, trong trường hợp này nghi can Quách Văn Nam có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tử hình.
Qua vụ án trên, luật sư Thái cho rằng, đây cũng là bài học cảnh báo việc sử dụng bạo lực trong quan hệ hôn nhân. Nếu xét thấy mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì một trong hai bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật.
Vụ án mạng chồng sát hại vợ và con ở Tây Hồ như hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người về cách xử lý, giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc gia đình khéo léo, đúng mực. Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu, mà còn tác động tiêu cực đến những người xung quanh và gây rối loạn trật tự, an toàn xã hội.
Theo Pháp luật & Xã hội
0 nhận xét:
Đăng nhận xét