Chị em nào tuyệt đối không được "lột da sinh học"?


Tuần trước, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân 17 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận nhập viện trong tình trạng da mặt lở loét, rớm máu và sưng phù. Bệnh nhân cho biết vì muốn có làn da trắng đẹp nên trước đó có đặt mua sản phẩm lột thay da sinh học collagen ở một trang bán hàng online.

Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi mua sản phẩm lột trắng về cô gái này đã làm theo hướng dẫn ghi trên thân chai, thoa thuốc lột 1 lần vào buổi sáng, để khoảng 15 phút lau sạch rồi thoa lại lần 2 để khoảng 2 – 3 giờ da sẽ bong thành mảng to.

Chị em nào tuyệt đối không được lột da sinh học? - Ảnh 1.

Gương mặt cô gái biến dạng do lở loét

Ngày thứ nhất, sau lần đầu thoa, cô gái trẻ thấy da đỏ ửng đỏ, đến tối cùng ngày thoa lần 2 da càng đỏ hơn kèm nóng rát, châm chích nhiều. Thấy da có dấu hiệu bong tróc nên bệnh nhân dùng tay gỡ mài khiến da bị chảy máu.

Ngày thứ hai, sau khi thức dậy thấy mặt hơi sưng nhưng bệnh nhân vẫn tiếp tục thoa thuốc lột. Đến ngày thứ ba thì mặt sưng phù, đầy mụn mủ, và chảy nước vàng... Quá hoảng sợ, bệnh nhân đã gọi cho mẹ và được đưa vào Bệnh viện Da liễu TPHCM.

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận "giải cứu" một bệnh nhân của phương pháp lột da.

Nữ bệnh nhân trẻ, ở Hà Nội, tới một cơ sở spa thực hiện lột da sinh học. Sau vài ngày, những nốt mụn nước lan toả xuất hiện từ mép, mũi, khoé miệng, lan rộng ra không ngừng, tổn thương chảy dịch vì tăng phản ứng viêm mạnh, đau rát, kèm theo da phù nề, đỏ ửng...

Quá lo lắng, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Chị bất ngờ khi các bác sĩ thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán, khẳng định chị bị nhiễm herpes lan toả - chống chỉ định lột da bằng hoá chất.

"Bệnh nhân bị tổn thương herpes ở môi nhưng không được khám, chẩn đoán nên vẫn tiến hành lột da như bình thường, dẫn đến biến chứng" - ThS.BS Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay.

Các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc giảm viêm, dùng kháng sinh phòng bội nhiễm lan toả, phòng biến chứng. Đây không phải là bệnh nhân duy nhất đến viện vì hậu quả của lột da không đúng chỉ định. Nhiều trường hợp còn phải phối hợp các phương pháp khác như thủ thuật phải điều trị nội trú.

Chị em nào tuyệt đối không được lột da sinh học? - Ảnh 2.

BS Đặng Bích Diệp tư vấn cho bệnh nhân khám da liễu. Ảnh: V.Thu

Theo ThS.BS Đặng Bích Diệp, lột da là biện pháp làm đẹp được nhiều người quan tâm. Đây là phương pháp được dùng từ rất lâu, được đánh giá là khá an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, biện pháp này cần được thực hiện bởi chuyên gia, bởi chính bác sĩ là người đánh giá, lựa chọn bệnh nhân phù hợp để thực hiện mới đảm bảo an toàn. Phương pháp kỹ thuật, việc lựa chọn sản phẩm lột, mức độ lột, chăm sóc sau lột da cũng rất quan trọng trong biện pháp làm đẹp này.

Về mặt bản chất, lột da sử dụng các sản phẩm axit từ hoa quả trong tự nhiên tác động lên da, làm bong tróc da tuỳ liều lượng thuốc, tuỳ thời gian lưu thuốc trên da bao lâu để đạt mục tiêu lột.

Có thể lột nông – tức là lột lớp sừng trên da, bỏ các tế bào trên vùng thượng bì. Nếu lột sâu hơn, mạnh hơn là lột vùng trung bì, chỉ định cho các trường hợp sẹo lõm hoặc lão hoá nặng.

Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam hầu như không thực hiện việc lột sâu. Ở nước ngoài, biện pháp lột sâu thường thực hiện ở khoa Hồi sức tích cực, cấp cứu vì biện pháp này có nguy cơ biến chứng shock, phải chăm sóc tích cực vì nếu không sẽ gây sẹo co kéo ở mặt. Tất nhiên, nếu thành công, biện pháp này cũng giúp da trẻ hoá rất tốt.

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc lột da chỉ làm lột nông, tức là tác dụng lên vùng thượng bì của da, (hiểu nôm na là làm bong tróc các tế bào sắc tố nông trên vùng thượng bì), sau khi làm, các tế bào bong tróc đi đồng thời tạo phản ứng viêm, kích thích cơ thể tăng sinh collagen, da sẽ sáng, mịn hơn.

"Tuy nhiên, biện pháp này phải được kiểm soát bởi các bác sĩ và có quy trình đầy đủ" - BS Diệp lưu ý.

Đơn cử, thuốc dùng để lột da phải dùng dung lượng nào, có trường hợp phải đặt thời gian hẹn giờ, dụng cụ làm mát, phối hợp nhiều công đoạn chứ không phải chỉ bôi luôn là được.

Không ít những bệnh nhân tin vào quảng cáo "tự lột da tại nhà chỉ một lần là đẹp", đã bị kích ứng. Chưa kể, việc chăm sóc sau lột nếu không tốt sẽ dễ bị bội nhiễm vi khuẩn, virus, gây nhiễm khuẩn lan toả.

Vậy những đối tượng nào có thể áp dụng biện pháp lột da? Theo BS Diệp, lột da có tác dụng điều trị mụn trứng cá có nhiều nhân (đầu trắng, đầu đen), sẽ làm bong tróc nốt sừng và có tác dụng giảm dầu; chống lão hoá; rám má.... Tuy nhiên, điều lưu ý là bác sĩ phải khám để loại trừ việc bệnh nhân có những nhiễm khuẩn cấp tính trên mặt như: Hạt cơm, tình trạng viêm nang lông hoặc bệnh nhân dùng các thuốc nhạy cảm ánh sáng, phụ nữ có thai… Đây là những trường hợp không được chỉ định dùng biện pháp này.

Võ Thu

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét