Đương tâm sát hại người thân
Sự việc đau lòng mà bà Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969) ở thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP Thái Bình đã làm với người cháu nội của mình những ngày này khiến nhiều người không khỏi đau xót, phẫn nộ. Người bà nội ấy đã có hành vi bỏ thuốc độc vào sữa cho cháu nội bị bại não bẩm sinh mới một tuổi không chỉ một lần mà tới hai lần. May mắn với cháu bé là đã được cấp cứu kịp thời và sức khỏe đã ổn định.
Vụ việc bà nội đầu độc cháu nội bằng thuốc chuột ở Thái Bình này vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục xử lý. Hành xử của người bà chắc chắn phải nhận sự trừng phạt đích đáng của pháp luật. Thế nhưng đằng sau sự việc này, nhiều người không khỏi rùng mình trước sự vô cảm giữa những người thân với nhau.
Hành vi của bà nội đầu độc cháu bằng thuốc chuột sẽ phải chịu những xử phạt thích đáng. Ảnh TL
Thực tế, không chỉ là bà nội mà gần đây nhiều vụ là cha mẹ cũng đương tâm sát hại con đẻ, thậm chí ngay cả khi vừa sinh. Hẳn mọi người vẫn chưa thể quên cậu bé Nguyễn Văn An mới sinh bị mẹ vứt bỏ dưới hố ga hơn 40 giờ ở Sơn Tây, Hà Nội. Dù đã được phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng sau một thời gian điều trị, bé đã không thể qua khỏi. Hay như công an tỉnh Bắc Ninh mới đây đã khởi tố người mẹ sát hại con trai 3 tuổi rồi tự tử bất thành…
Nguyên nhân vì đâu?
Một trong những vấn đề dễ dàng nhận thấy, đó là ngày càng có những án mạng do chính người thân trong gia đình gây ra. Theo kết quả phân tích các vụ giết người, có khoảng 15 - 17% số vụ là người thân trong gia đình sát hại lẫn nhau; 60-70% số vụ do mâu thuẫn bộc phát, nhất thời, đối tượng phạm tội lần đầu. Vì đâu mà những người thân thuộc, ruột thịt lại có thể đang tâm xuống tay giết hại chính người thân yêu của mình như vậy?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh Vân (Trung tâm tư vấn tâm lý Phúc Ngân) cho rằng, trong xã hội nào cũng có những tình huống kiểu này hay kiểu khác xảy ra. Chỉ là hiện nay, thời đại công nghệ thông tin cùng với sự phát triển internet sẽ giúp người ta truyền đi hay tiếp cận được nhiều thông tin hơn và chúng ta cảm thấy hiện tượng này ngày càng nhiều.
Việc một hành vi xảy ra cần xét trong bối cảnh mà hành vi đó được diễn ra. Chúng ta cần phải nhìn nhận trên nhiều các khía cạnh khác nhau và tìm hiểu xem đằng sau hành vi đó ẩn chứa điều gì? Cách giáo dục, lối sống, quan điểm, động cơ… từ đó mới biết chính xác vấn đề nằm ở đâu để mà có giải pháp phòng ngừa hay ngăn chặn. Đôi khi, sự việc xảy ra chỉ là hệ quả của rất nhiều điều trước đó. Thế nên, cần phải tìm hiểu sâu, kỹ và nhìn theo nhiều chiều thì mới có thể đưa ra một giải pháp cụ thể. Mỗi một tình huống là một câu chuyện khác nhau, bối cảnh khác nhau và nguyên nhân khác nhau.
Theo chuyên gia tâm lý, trong một bộ phận gia đình giờ đây sợi dây kết nối bằng huyết thống, hôn nhân đang lỏng lẻo hơn. Lối sống vị kỉ, vì lợi ích cá nhân ngày càng nhiều. Sống vì lợi ích cá nhân tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác, đó là mọi người sống lạnh nhạt với nhau. Nếu phát sinh mâu thuẫn, họ không biết cách để giải tỏa tâm lý bức xúc của các đối tượng. Vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc dù là người thân trong một gia đình.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ án giết người không theo một quy luật chung nào, tùy theo vụ việc. Án mạng xảy ra giữa vợ chồng nguyên nhân chính là do mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt hoặc ghen tuông tình ái, đẩy mâu thuẫn vợ chồng bị dồn nén lâu ngày lên cao. Cha mẹ con cái giết nhau thường do quan điểm sống hằng ngày khác nhau giữa các thế hệ…
Với những vụ mẹ giết hại con thường hay rơi vào những trường hợp mẹ đơn thân, sau có tình nhân. Đứa trẻ vô tình trở thành vật cản của họ. Ngoài ra, có những vụ án mẹ giết con rồi tự tử là do lo cho con không ai chăm sóc khi mình mất đi, do tâm lý hận thù và muốn gây sự mất mát, tổn thương cho người chồng….
Nguyên nhân nhiều vụ vẫn xuất phát từ việc có tâm lý bất ổn. Bên cạnh những nguyên nhân sâu xa, mâu thuẫn âm ỉ còn có những nguyên nhân nội tại từ cách hành xử của đối phương khiến cho họ không kiểm soát được hành động của mình.
Với vụ bà nội đầu độc cháu nội bằng thuốc chuột cũng nằm hoàn toàn ở vấn đề tâm lý. Còn nói rằng bị tâm thần thì không phải. Có thể trong quá khứ, đâu đó trong cuộc đời người phụ nữ này đã từng thấy, từng nghe… đem lại cảm xúc rất mạnh mẽ về vấn đề có một đứa con, cháu như vậy sẽ khốn khổ như thế nào. Bởi vậy, bà nhìn đứa trẻ như một thứ "tội nợ" của cuộc đời mà ra tay không chỉ một lần mà hai lần, giết cho bằng được.
"Có thể, hành động đó xuất phát từ tình thương người con nhưng đó là tình thương lệch lạc. Cần phải điều tra thêm về sự việc. Tìm hiểu xem bà ấy có trách nhiệm gì với đứa cháu không. Rõ ràng ở đây bà nội không phải là mẹ, không thể xem là trách nhiệm nuôi nấng mà liên quan đến đời sống tâm lý của bà" – chuyên gia Hương Hồng chia sẻ.
Theo các chuyên gia, giết người thân là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng. Bên cạnh nâng cao giáo dục trong mỗi gia đình cần phải sự vào cuộc của các đoàn thể xã hội với những gia đình tiềm ẩn mâu thuẫn trong sinh hoạt mới mong hạn chế được những sự việc đau lòng. Ở bất kì môi trường nào nếu như có một nền giáo dục tốt, một truyền thống gia đình cơ bản, lành mạnh… sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phương Thuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét