Có người nói nhan sắc của phụ nữ là một món quà trời ban, nếu biết cách sử dụng thì sẽ là một lợi thế tuyệt vời, giúp phụ nữ có một cuộc sống như ý. Thế nhưng với một mỹ nhân có lòng tham vô đáy, thủ đoạn vô biên thì cuối cùng bản thân cô ta sẽ là người phải gánh chịu lấy hậu quả không tưởng tượng nổi.
Cố Xuân Phương sinh năm 1972, sinh ra ở thị trấn Bích Khê, thành phố Thường Thục, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ngay từ khi còn trẻ, Cố Xuân Phương đã là cô gái cực kỳ nổi bật vì chiều cao 1 mét 7, dáng người mảnh khảnh và nét đẹp cuốn hút. Cô ta từng được mệnh danh là "đệ nhất mỹ nhân Thường Thục".
Đáng tiếc, cũng chính vì có nhan sắc nổi bật, Cố Xuân Phương lại cho rằng việc học hành chẳng đáng quan trọng bằng kiếm tiền nên đã bỏ học trước khi tốt nghiệp cấp 2. Nhờ vào quan hệ rộng rãi của bố mẹ, Cố Xuân Phương sau đó đã được gửi đến nhà máy thép làm công việc đánh máy.
Tuy vậy cô ta lại cho rằng công việc suốt ngày chúi mặt vào xấp tài liệu không phù hợp với mình nên đã xin làm tiếp thị bán hàng trong một đại lý bán mỹ phẩm ở cửa hàng bách hóa lớn tại địa phương.
Dĩ nhiên, người có lợi thế nhan sắc và thông minh như Cố Xuân Phương luôn có thành tích xuất sắc trong quá trình làm công việc tiếp thị bán sản phẩm. Nhưng cái chức danh tiếp thị nhỏ nhoi không thể nào cầm chân được tham vọng của cô ta. Cô muốn bước chân ra khỏi thị trấn nhỏ này, muốn vươn ra thế giới bên ngoài và kiếm được nhiều tiền hơn nữa.
Năm 1995, khi một công ty đào tạo ở thành phố Thường Thục đăng tin tuyển chọn người mẫu, Cố Xuân Phương lập tức xin nghỉ việc và đăng ký tham gia. Giữa nhiều gương mặt cô gái trẻ thì nét đẹp của Cố Xuân Phương có thể nói là đặc biệt và cuốn hút nhất.
Không lâu sau đó, một tấm áp phích lớn in hình Cố Xuân Phương được treo bên ngoài một tòa nhà thương mại của Thường Thục để quảng bá cho thành phố. Cố Xuân Phương bắt đầu được xem là một người mẫu nổi tiếng và cũng mở đường cho cô ta tiến vào giới thượng lưu.
Trong quá trình làm việc, Cố Xuân Phương có cơ hội tiếp xúc với nhiều đại gia giàu có, doanh nhân và chính trị gia, nhìn thấy cuộc sống xa hoa phơi bày trước mắt khiến trong lòng cô ta càng thôi thúc mong muốn được trở thành người giống như họ.
Năm 1996, Cố Xuân Phương tự mở một cửa hàng quần áo, từ bỏ công việc làm người mẫu để chú tâm vào kinh doanh. Tuy rằng chỉ là một cửa hàng nhỏ, Cố Xuân Phương chỉ là một người bán hàng bình thường nhưng nhờ thói quen tiêu tiền khá hào phóng cùng cách ăn mặc thời thượng, ai cũng cho rằng Cố Xuân Phương là một quý cô giàu có.
Với vẻ bề ngoài được ngụy tạo đẹp đẽ sang trọng, Cố Xuân Phương bắt đầu đi vay tiền khắp nơi để phục vụ cho công việc làm ăn của mình. Mọi người dễ dàng bị lóa mắt bởi không ai nghĩ rằng một "quý cô" giàu có lại đi lừa tiền của mình bao giờ?
Trong những năm này, Cố Xuân Phương đã xây dựng được hình tượng sang trọng, lấy được nhiều uy tín và giao du với những đại gia trong giới đầu tư kinh doanh.
Nhờ vào mối quan hệ rộng rãi, Cố Xuân Phương đã huy động được đến 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 35 tỷ đồng) để mở công ty thương mại vào năm 2008, chuyên sản xuất mua bán vật liệu xi măng, kim loại, nhu yếu phẩm, quần áo...
Bên cạnh đó, cô ta còn mở rộng kinh doanh tiệm quần áo, mở thêm tiệm nail cao cấp. Tất cả cửa hàng đều nằm tại vị trí đắc địa nhất ở thành phố Thường Thục.
Tuy nhiên, Cố Xuân Phương không phải là một thiên tài kinh doanh. Số tiền vay mượn từ mọi người đều bị cô ta tiêu tán hết vào công ty. Sau đó cũng với chiêu bài cũ, cô ta đã tiếp tục lợi dụng nhan sắc và uy tín của mình để vay tiền xoay vòng trả nợ.
Các chủ nợ này không hề hay biết tình trạng tài chính thật sự của Cố Xuân Phương. Trong ấn tượng của nhiều chủ nợ, cô ấy toàn hàng hiệu trên người, thanh lịch và phóng khoáng nên dễ dàng có được lòng tin và tiếp tục cho cô ta vay tiền.
Hác Vĩ (tên đã được thay đổi), là ông chủ một công ty lớn ở Thường Thục là một trong số người đồng ý cho Cố Xuân Phương vay tiền. Thời điểm đó, Cố Xuân Phương nói rằng có một ông chủ mỏ than ở Nội Mông muốn được đầu tư mở rộng kinh doanh, đề nghị Hác Vĩ góp vốn.
Dưới sự bảo lãnh của một ông chủ cửa hàng bách hóa lớn tại địa phương, Hác Vĩ đã cho Cố Xuân Phương vay 30 triệu tệ (khoảng 105 tỷ đồng) và được cô ta hứa hẹn trả lãi suất mỗi năm từ 10-20%.
Sau khoản tiền cho vay này, Hác Vĩ mới giật mình khi nghe tin phong phanh rằng Cố Xuân Phương còn đi vay mượn rất nhiều người khác với lãi suất cao ngất ngưởng tới 40% mỗi năm. Cảm thấy con người này không ổn, Hác Vĩ quyết định rút lui nhưng chỉ đòi lại được một phần số tiền gốc.
Một ông chủ bất động sản tên A Tuân (tên đã được thay đổi) thì khá đen đủi. Ông ta đã cho Cố Xuân Phương vay 180 triệu tệ (khoảng 634 tỷ đồng). Đây là khoản vay lớn nhất của Cố Xuân Phương và dĩ nhiên cô ta cũng không có khả năng hoàn trả.
Cố Xuân Phương với thói quen vay tiền khắp nơi, dựa vào số tiền vay mượn - xoay vòng trả nợ để cung phụng cho cuộc sống xa hoa, sắm nhà lớn, mua xe sang.
Số tiền cô ta vay trong nhiều năm đã hình thành một hố sâu không đáy và không thể hoàn trả được. Nhưng để tiếp tục ngụy tạo thân phận là một người giàu có, Cố Xuân Phương bắt đầu đầu tư, làm giả hợp đồng và con dấu.
Nhiều doanh nhân giàu có mắc bẫy của cô ta, chi hàng trăm triệu tệ đầu tư vào những hợp đồng kinh doanh "ảo", rót vốn vào "công ty ma" của cô ta mà không hề hay biết.
Đáng ghê tởm hơn, Cố Xuân Phương không chỉ vay tiền từ giới kinh doanh giàu có, mà những người quen biết xung quanh, dù là những người thuộc tầng lớp lao động cũng bị cô ta lừa gạt. Nhiều người cảm thấy mức lãi suất do Cố Xuân Phương đề nghị quá cao, quá hấp dẫn nên đã đồng ý cho vay tiền.
Có người cho Cố Xuân Phương vay vài chục nghìn tệ, có người thế chấp cả căn nhà để đưa cho cô ta 600.000 tệ (khoảng 2,1 tỷ đồng), có người khác còn đưa số tiền tiết kiệm cả đời. Ai cũng mừng rỡ cho rằng đây là khoản đầu tư sinh lời cực kỳ nhanh chóng nhưng không ngờ, Cố Xuân Phương đã nhanh chóng lật mặt.
Đầu năm 2012, một số lượng lớn các bài đăng trực tuyến xuất hiện trên các diễn đàn địa phương ở Thường Thục bắt đầu tố cáo Cố Xuân Phương vay tiền rồi bỏ trốn. Thời điểm đó, một số chủ nợ đã liên tiếp trình báo với Cục điều tra kinh tế về việc Cố Xuân Phương mắc khoản nợ khổng lồ nhưng khi họ tìm đến nơi yêu cầu trả nợ thì cô ta không trả được và rồi mất liên lạc.
Cố Xuân Phương biết ngày tàn sắp đến nhưng kiên quyết không muốn chấp nhận số phận. Cô ta đã dùng một số tiền lớn để làm phẫu thuật thẩm mỹ, dự định thay đổi nhân dạng để trốn khỏi sự truy lùng của cảnh sát và chủ nợ.
Đáng tiếc chỉ sau lần phẫu thuật đầu tiên, cuối tháng 3/2012, cô ta đã bị cảnh sát tóm cổ khi đang lẩn trốn ở Thượng Hải. Lúc bị cảnh sát vây bắt, Cố Xuân Phương đã cố tình dùng dao tự sát nhưng may mắn được cứu kịp thời.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra trong vòng 4 năm, từ 2008-2012, với lý do cần quay vòng vốn gấp trong kinh doanh than, sử dụng lãi suất cao hoặc lợi nhuận cao để làm mồi nhử, Cố Xuân Phương đã lừa được khoảng 20 người cho vay số tiền khoảng 500 triệu tệ (khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng), bên cạnh đó là các khoản vay thế chấp hơn 100 triệu tệ (khoảng 352 tỷ đồng) tại các ngân hàng và một số công ty cho vay ở Thường Thục.
Bản báo cáo tại tòa còn cho biết Cố Xuân Phương dính líu đến việc giả mạo hợp đồng và con dấu, xúi giục người khác giả danh là quan chức cấp cao để gây quỹ bất hợp pháp. Tổng con số mà Cố Xuân Phương đã chiếm đoạt của các nạn nhân ước tính lên đến 1,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6 nghìn tỷ đồng).
Ngày 23/10/2013, trong phiên xét xử tại tòa án nhân dân trung cấp thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, thẩm phán tuyên bố Cố Xuân Phương tội gian lận huy động vốn, gian lận hợp đồng, lừa đảo, gây thiệt hại tài sản quá lớn, quyết định mức án tử hình, miễn thi hành án trong 2 năm, bị tước quyền chính trị suốt đời, bị tịch thu tất cả tài sản cá nhân.
Sau khi Cố Xuân Phương gửi đơn kháng cáo, vào tháng 5/2014, tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tô vẫn quyết định giữ nguyên mức án tử hình.
Song Kỳ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét