Từ chối cuộc sống của một người chào đời với "chiếc thìa bạc"
Thành thật mà nói, tôi được cho là sẽ rất giàu bởi vì từ khi còn là cậu bé, tôi đã là người dám nghĩ dám làm. Bố tôi là một luật sư thành công và khá giàu có. Khi mới lớp 5, tôi đã bắt đầu có đam mê kiếm tiền mà không muốn phụ thuộc vào ông bố giàu sụ của mình. Vì vậy, tôi đã quyết định theo chân những người bạn đến một khu ruộng để lao động và được trả công. Chúng tôi dọn dẹp cỏ dại trên đất trồng sắn của họ. Cho đến khi bị bố bắt gặp, tôi đã đi làm như thế được 2 lần.
Ai đó đã kể với bố và ông đã rình để bắt tôi. Đừng hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra khi bố phát hiện. Còn hơn cả địa ngục! Bạn biết đó, bố tôi từng là một hiệu trưởng trước khi học luật và những người giáo viên khi xưa luôn có cây gậy trong tay. Bạn có thể đoán được rồi đấy.
Sau trận đòn hôm đó, tôi không đi làm nữa nhưng cũng không vui vì không được kiếm tiền. Tôi là người không thích ở yên. Đó là lý do vì sao tôi bị bối rối khi thấy giới trẻ ngày nay vui vẻ khi không làm gì và còn thấy thoải mái với lối sống như vậy.
Chật vật để đạt được ước mơ
Ngay sau khi học xong cấp 2, tôi lại tìm kiếm việc làm. Tôi không nói với bố về công việc đó vì nó có vẻ làm mất giá trị gia đình và bố sẽ không cho tôi đi làm. Trong khi đó, bố lúc đó vừa bị đột quỵ và không còn làm việc nữa. Tôi quyết định nhận việc vì tôi biết mình cần tiền hơn bao giờ hết.
Công việc mà tôi làm khi đó là tại nhà máy kính Oluwa, ở bộ phận nóng nhất của nhà máy. Họ nói rằng cái nóng của nơi này có thể hủy hoại khả năng làm cha của chúng tôi. Vậy nên chúng tôi được nhận 30 hộp sữa vào cuối tháng. Cảm ơn Chúa, tôi vẫn có cặp sinh đôi.
Đồng nghiệp tại nhà máy chế giễu tôi, gọi tôi là "kẻ ngậm thìa bạc ", không hiểu tôi làm cái quái gì ở đó dù bố tôi giàu có. Thế nhưng với tôi, những gì tôi biết là mình có niềm đam mê với việc kiếm tiền để tự trang trải cho cuộc sống và thực hiện ước mơ làm luật sư.
Tôi rời khỏi nhà máy sau một tai nạn nghề nghiệp nhưng vẫn hăm hở tìm một công việc khác vì không gì có thể dập tắt niềm đam mê công việc và quyết định không muốn phụ thuộc vào gia đình của tôi. Lần này, tôi tìm được công việc ở một tiệm cắt tóc. Thực tế là với công việc này, tôi vẫn bị nhiều bạn bè chỉ trích vì họ không nghĩ tôi làm một việc như thế. Nhưng tôi không bao giờ bận tâm vì những gì tôi quan tâm khi đó là không muốn mình nhàn rỗi và hơn hết, tôi muốn kiếm tiền.
Sau đó một khoảng thời gian, tôi nghỉ việc và mở tiệm cắt tóc của mình tại Igbokoda. Đây là tiệm cắt tóc hiện đại đầu tiên vào thời điểm đó tại Igbokoda. Một mình tôi không thể phục vụ kịp lượng khách đến tiệm. Tôi thuê 4 người làm việc cho mình. Tôi đã kiếm được nhiều tiền đến mức đã nghĩ đến việc mua một chiếc xe hơi.
Tôi nhớ đã nói với mẹ rằng tôi muốn mua xe nhưng mẹ khuyên tôi không nên. Mẹ nhắc tôi về lời hứa mà tôi đã từng hứa với mẹ là sẽ trở thành một luật sư. Mẹ nói rằng chiếc xe sẽ làm tôi phân tâm. Tôi nghe lời mẹ khuyên và không nghĩ đến chiếc xe nữa. Lúc đó, tôi mới 22 tuổi.
Sau khi mở tiệm cắt tóc được 6 năm và có đủ tiền, tôi quyết định tiếp tục đến trường với tư cách là sinh viên tự bảo trợ. Đầu tiên, tôi đến Kwara Poly để học Nghiên cứu Pháp luật và đã lấy được tấm bằng đầu tiên. Thời điểm đó, tôi mất bố vì vậy, tôi tự lo hoàn toàn 100% tiền học của mình. Mẹ tôi khi đó cũng không làm việc do một tai nạn xe khiến bà bị tàn tật.
Sau khi lấy được tấm bằng cấp 3, tôi đến Đại học Ilorin với tư cách là sinh viên nhập học trực tiếp. Vào thời gian đó, công việc kinh doanh của tôi vẫn tiếp tục phát triển và với số tiền có được, tôi sử dụng vào việc học.
Thế nhưng không may, tôi phát hiện tiệm cắt tóc của mình có vấn đề, nhân viên không còn làm cho tôi nữa. Sau đó, tôi tìm người giúp giám sát công việc kinh doanh. Nhưng đó là một tính toán sai lầm của tôi. Anh ta phản bội tôi vì mọi người nói với anh ta rằng tôi đang lợi dụng anh ta để kiếm tiền nhằm hoàn thành đại học, còn anh ta vẫn mãi là kẻ mù chữ. Thế là anh ta bắt đầu đối xử tệ với nhân viên của tôi.
Cảm thấy không an toàn, tôi bắt đầu nghĩ đến việc từ bỏ công việc kinh doanh. Tôi đã gọi cho anh ta để bán cổ phần của mình cho anh ta. Anh ta vui vẻ chấp nhận lời đề nghị của tôi. Sau khi bán cổ phần, mọi thứ trở nên khó khăn đối với tôi. Tôi quyết định tham gia vào chính trị và trở thành thành viên của phòng phúc thẩm. Tôi làm ở đây đủ lâu để những nhà lãnh đạo thấy được sự cam kết của tôi, rằng tôi luôn tận tâm tận lực với những điều mình làm. Họ quyết định giao cho tôi một hợp đồng để làm với vài người nữa. Và chúng tôi đã kiếm được 2 triệu naira (hơn 110 triệu đồng).
Tôi đã đích thân đến khu vực ven sông để giám sát, đích thân sơn tòa nhà và được trả tiền như một thợ sơn. Món nghề tay trái này tôi có được là nhờ những ngày bon chen kiếm sống, tôi đã đi theo một người bạn là thợ sơn nhà cửa. Người bạn đó của tôi bây giờ cũng là một luật sư và mục sư.
Tiết kiệm tiền có được từ hợp đồng, tôi đã đầu tư vào việc học rất nhiều. Nhờ đó mà tôi đã có thể tự chinh phục ước mơ học đại học và trở thành luật sư mà không cần sự giúp đỡ của gia đình.
Giờ đây, niềm say mê làm việc và cống hiến của tôi đã giúp tôi rất nhiều trong nghề luật sư. Bạn khó có thể thấy tôi đi dự tiệc hay các lễ kỉ niệm. Không phải vì tôi không thích mà niềm đam mê đọc và nghiên cứu luật đã chiếm trọn cuộc đời tôi. Tôi luôn cam kết với bất kì điều gì mình làm và hiện tại, nghề luật sư là niềm đam mê và tình yêu của tôi.
Tôi không tin khi ai đó nói rằng họ không thể đến trường vì không có ai tài trợ việc học vì rõ ràng, tôi đã trải qua giai đoạn đó rồi.
PV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét