Pháo sáng ở sân Hàng Đẫy và thảm kịch Heysel


Hooligan bóng đá từng là nỗi ám ảnh khắp thế giới. Người Anh xấu hổ khi nhắc tới khái niệm này. Họ càng không muốn nhớ đến thảm kịch Heysel nơi chôn vui hàng chục mạng người, chủ yếu là cổ động viên người Italia, trong trận đấu giữa 2 câu lạc bộ lừng lẫy Juventus - Liverpool ngày 29/5/1985. Những hooligan xứ sương mù trong cơn điên cuồng đã vượt qua hàng rào ngăn giữa khu cổ động viên trung lập và khu cổ động viên của Liverpool để gây sự, tạo áp lực khủng khiếp lên một bức tường của sân vận động trước khi nó đổ sập làm 39 người chết, 600 người bị thương.

Chưa thực sự có một thảm kịch như Heysel ở Việt Nam. Đương nhiên chẳng ai chờ điều đó, nhưng quả pháo sáng làm nát đùi một nữ cổ động viên trên sân Hàng Đẫy tối 11/9 khiến không ít người rùng mình, mường tượng ra kết cục khác nếu chẳng may quả pháo không rơi vào đùi mà trúng cổ, ngực của cổ động viên nọ. Không ai lường được ngần đó con người trên sân khi bị kích động lên mà lao vào nhau thì sẽ thế nào(?).

Bài viết của Báo Gia đình & Xã hội mà chúng tôi nhắc ở trên có tên "Bóng ma hooligan đang trở lại sân cỏ Việt Nam?" đăng tải ngay sau cuộc loạn đả ở sân Vinh ngày 12/4/2008 và 3 tháng sau cuộc vây hãm kinh hoàng ở sân Hàng Đẫy (13/1/2008). Ở thời điểm năm 2008 mà chúng tôi đặt nghi ngại về sự trở lại, nghĩa là nó còn có cả trước 2008. Đó là năm 1998, cũng trên sân Vinh, cầu thủ Minh Tiến (Thể Công) vừa chấn thương phải rời sân, lại tiếp tục ôm đầu đầy máu vì bị cổ động viên xứ Nghệ từ trên khán đài ném trúng một viên gạch. Sau trận đấu, xe chở cầu thủ Thể Công bị hàng trăm cổ động viên Nghệ An bao vây và phải nhờ đến sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát, đội khách mới có thể an toàn về Hà Nội…

Nhưng bạn hãy để ý, hooligan đã trở thành một khái niệm cũ trên thế giới, nghĩa là nó không còn được nhắc đến nhiều ở thời hiện tại. Sự vắng bóng của nó không liên quan đến sự phát triển của ngôn ngữ, mà từ sự tiến bộ của loài người. Chưa hoàn toàn biến mất nhưng hooligan trên thế giới, kể cả Anh, ngày càng "hiếm". Trên khán đài, con người văn minh hơn, yêu thương hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, họ có điều kiện để yêu thương mà không có điều kiện để gây sự, triệt hạ nhau, để làm hooligan nữa. Sự nghiêm ngặt, an toàn trong tổ chức bóng đá trên thế giới, dù chưa tuyệt đối, cũng khiến "đại dịch" hooligan lùi về quá khứ.

Còn ở Việt Nam, vụ việc ở sân Hàng Đẫy vừa rồi cho thấy hooligan bóng đá vẫn tồn tại và hoạt động ngang nhiên liều lĩnh bất chấp sự phẫn nộ của dư luận. Nghĩa là cổ động viên có thể có điều kiện để yêu thương nhưng cũng có điều kiện để gây sự, triệt hạ nhau. Nghĩa là, khả năng tổ chức bóng đá chuyên nghiệp ở V-League quá "tốt" với hooligan khi bị lọt hàng chục quả pháo sáng vào sân. Nghĩa là, những người có trách nhiệm chưa lường hết những cơn cuồng nộ của hooligan nguy hiểm đến nhường nào. Và có thể, cũng chưa chắc biết đến Heysel.

Việt Nguyễn

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét