Sau khi Bộ GD&ĐT công bố sẽ tiếp tục chấm điểm từng môn thành phần tại tổ hợp môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, một loạt trường đại học "tốp đầu" cũng đã bất ngờ thay đổi phương án tuyển sinh năm nay bằng việc bỏ kỳ thi tuyển sinh riêng, hoặc thay đổi hình thức kiểm tra đánh giá năng lực "đầu vào" theo hướng đơn giản hơn.
Mới nhất là ĐH Bách khoa Hà Nội, nhằm giảm áp lực cho các thí sinh, Hội đồng tuyển sinh nhà trường vừa "chốt" phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy vào khối ngành kỹ thuật và kinh tế (trừ ngành Ngôn ngữ Anh), dự kiến lấy từ 30% đến 35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm 2 phần Toán và Đọc hiểu với thời gian làm bài 120 phút.
Bên cạnh đó, trường dành từ 10% - 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn đối với các học sinh trường chuyên, học sinh đạt giải học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên, học sinh có các chứng chỉ quốc tế, học sinh xuất sắc trong các lĩnh vực khác. Trường tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống với tỉ lệ 50% đến 60% tổng chỉ tiêu.
Năm 2020, nhiều trường đại học tiếp tục sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ tuyển sinh năm nay vẫn sẽ sử dụng kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 để xét tuyển cho các ngành, chương trình đào tạo đại học. Đồng nghĩa với việc sẽ không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như đã công bố trước đó.
Phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay về cơ bản như năm 2019. Trong đó, mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020. Xét tuyển các thí sinh sử dụng các chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác…
Sau khi ĐH Quốc gia Hà Nội bỏ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020, ĐH Ngoại thương cũng đã thông báo hủy phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng. Theo đó, ĐH Ngoại thương sẽ chuyển chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi riêng sang phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi THPT và xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và điểm thi THPT.
Như vậy, kỳ tuyển sinh năm 2020, ĐH Ngoại thương sẽ thực hiện xét tuyển theo 5 phương thức, bao gồm: Xét tuyển dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT dành cho hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; Xét tuyển thẳng.
Liên quan tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2020, lãnh đạo Bộ GD&Đ cho hay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 với mục tiêu chính là lấy quả để xét, công nhận tốt nghiệp THPT đảm bảo mặt bằng chung của cả nước có tính tới điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh.
Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng sẽ được các trường ĐH, CĐ xem xét sử dụng hợp lý trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ tuyển sinh. Bên cạnh sử dụng kết quả thi THPT, đã áp dụng đa dạng và kết hợp các phương thức xét tuyển khác nhau để tuyển sinh.
Theo TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT): "Hiện nay, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh, trong đó có thể sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ… thậm chí tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Tuy nhiên, ngoài các trường đại học "tốp đầu" do nhu cầu tuyển sinh thí sinh chất lượng, các trường ở nhóm còn lại cũng cần tính đến yếu tố giảm lo lắng, vất vả cho các thí sinh, không nên áp dụng kỳ thi riêng gây tốn kém, áp lực không cần thiết".
Quang Anh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét