Quảng Bình: Băng rừng vượt suối tìm học trò sau kỳ nghỉ dịch COVID-19


Quảng Bình: Băng rừng vượt suối tìm học trò sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Giáo viên thường xuyên đến tận nhà thông báo, vận động học sinh đi học trở lại. Ảnh: M.Thùy

Theo chân giáo viên "cắm bản"

Những ngày cuối tháng 4, PV Báo Gia đình & Xã hội được đến những điểm trường xa xôi tại vùng núi tỉnh Quảng Bình cùng các giáo viên "cắm bản" đi vận động học sinh để hiểu hơn những khó khăn, thách thức mà các giáo viên "cắm bản" đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Họ đã dành tình yêu thương bao la và quên đi tuổi thanh xuân của bản thân hy sinh cho những đứa trẻ ở miền sơn cước, mong muốn con chữ sẽ đến với các làng, bản nghèo, dân trí được nâng cao.

Đến hẹn lại lên, các thầy cô tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa nằm trên địa bàn xã biên giới nghèo Trọng Hóa thuộc huyện Minh Hóa cùng nhau băng rừng vượt suối vào bản để thông báo, vận động và đón học trò đến trường. "Sau khi có thông báo của Sở GD&ĐT về việc triển khai cho học sinh trở lại học, trường đã phân công cho các giáo viên vào bản tới nhà các em học sinh để thông báo, vận động các em đi học trở lại. Theo báo cáo thì không có trường hợp nào bỏ học đi làm xa, còn đi vào rừng theo bố, mẹ thì nhiều", thầy Trần Trọng Lam, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa chia sẻ.

Thầy Lam cho biết, toàn xã Trọng Hóa có tất cả 15 điểm trường, riêng khu vực Trọng Hóa 2 có 8 điểm trường với 527 em học sinh, đa số các em là người dân tộc thiểu số. Vì cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc học tập của con chưa được phụ huynh quan tâm. Một số học sinh "bữa đi, bữa bỏ" nên giáo viên ngoài giờ dạy trên lớp còn kiêm thêm việc đến nhà vận động các em đến lớp.

Quảng Bình: Băng rừng vượt suối tìm học trò sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Phải nhiều lần đến tìm, giáo viên mới gặp được học sinh và phụ huynh vì họ thường vắng nhà lên rẫy.

Chúng tôi theo chân giáo viên đến bản Si. Cả bản chỉ còn lác đác mấy người, hầu hết các căn nhà trong bản đều "cửa đóng, then cài". Cô Cao Thị Hoàng, giáo viên "cắm bản" tại bản Si cho biết, may mắn thì mới gặp được học sinh và phụ huynh ở nhà vì các em thường xuyên theo cha mẹ đi rẫy; một số khác vào rừng khai thác lâm sản. Vì vậy, các giáo viên thường tới bản vào lúc chiều muộn, thời điểm dễ gặp phụ huynh và học sinh nhất.

Sau khi được thông báo, toàn bộ học sinh hứa sẽ đến trường, nhưng để chắc chắn học sinh sẽ trở lại lớp đầy đủ, các giáo viên phải thường xuyên tới để trò chuyện, vận động học trò lẫn phụ huynh vì theo kinh nghiệm thì không phải học sinh nào cũng tới lớp như đã hứa. "May mắn khi các em đã có ý thức học tập hơn trước, trong đợt dịch COVID-19, giáo viên thường in bài tập về nhà, các em đã làm và nộp lại khá đầy đủ. Còn việc đi học trở lại, chúng tôi đã thông báo, nhưng để chắc chắn các em sẽ trở lại lớp, chúng tôi phải thường xuyên đến nhà vận động", cô Hoàng cho biết.

Quảng Bình: Băng rừng vượt suối tìm học trò sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Nhiều học sinh vào rừng khai thác lâm sản nên giáo viên phải lặn lội đi tìm.

Nói về khó khăn của những vui buồn của người giáo viên khi "cắm bản", cô Hoàng cho biết: "Ở đây, mặc dù điều kiện học tập và sinh hoạt còn nhiều khó khăn nhưng cũng nhờ vậy mà cô, trò có rất nhiều kỷ niệm đẹp. Ngoài ra, các cô thầy cũng luôn động viên các em tuyệt đối không được bỏ học đi vào làm thuê, làm mướn vì các em chưa trong độ tuổi lao động".

Niềm vui khi trò trở lại trường

Quảng Bình: Băng rừng vượt suối tìm học trò sau kỳ nghỉ dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Để vào bản, các giáo viên phải qua nhiều con suối và dốc núi.

Tại 4 điểm trường của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa (thuộc địa bàn xã miền núi Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa), 36 giáo viên cũng đang chia nhau đến từng nhà, vào tận rẫy để thông báo các em đi học trở lại.

Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Hóa cho biết, việc giáo viên phải vào tận bản để vận động và đón trò đến trường là quá đỗi quen thuộc với các giáo viên cắm bản ở đây. Hy hữu có trường hợp giáo viên phải vào tận miền Nam để đưa học sinh đi làm trở về đến lớp. "Tuy công tác vận động các em gặp nhiều khó khăn, một số ít học sinh còn ngại việc đến lớp và hay đi vào nương rẫy cùng bố mẹ. Nhưng với nỗ lực của cán bộ, giáo viên, hầu hết các em đã hứa sẽ đến trường. Một số em ở xa các điểm trường có xe đạp nhưng bị hư hỏng cũng được thuê thợ sửa, hoặc được các thầy cô mua linh kiện rồi sửa giúp", thầy Tâm cho biết.

Quên đi sự vất vả của bản thân, niềm vui lớn nhất đối với những giáo viên "cắm bản" là nhìn thấy học sinh của mình đến lớp đầy đủ. Họ hy vọng "con chữ" sẽ đến với những học trò nghèo nơi núi rừng để các em có tương lai tươi sáng hơn.

 Hùng Trần - Minh Thùy

Share on Google Plus

About Nam Hải

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét