Tuần trước tôi tham gia một bữa tiệc, chủ đề xuất hiện tại bàn ăn hôm đó là: Bạn hy vọng điều gì nhất ở người chồng?
Câu trả lời của các cô gái đa phần là ngoại hình đẹp, thu nhập tốt, lãng mạn, có tài...
Chỉ có một người bạn đã lập gia đình đưa ra câu trả lời: "Đó là người đàn ông chủ động làm việc nhà".
Bàn tiệc im lặng trong vài giây, sau đó những phụ nữ đã kết hôn đều giơ tay hưởng ứng. "Đúng rồi", họ đồng thanh.
"Chỉ sau khi kết hôn tôi mới hiểu thu nhập và ngoại hình không quan trọng bằng việc một người đàn ông biết dọn dẹp bát đĩa sau bữa ăn và thay tã cho con khi chúng ngủ dậy", một người lên tiếng.
Việc nhà thường được coi là vấn đề nhỏ và dường như ai cũng ngầm hiểu nó là trách nhiệm của phụ nữ.
Chỉ mất 10 phút để rửa chén bát, thay tã, nửa giờ để dọn dẹp hay kiểm tra bài tập cho con. Nhưng nhiệm vụ được coi là "dăm phút đã xong" này có thể làm tiêu tan hạnh phúc của nhiều gia đình hiện đại.
Tại Trung Quốc, thống kê năm 2017 cho thấy có tới 1,4 triệu cặp vợ chồng ly hôn, trong đó 71% nguyên đơn là phụ nữ. Lý do chia tay chủ yếu không phải ngoại tình hay bạo lực gia đình, mà vì những xung đột trong tình cảm vợ chồng.
Tôi có một người bạn tên Tiểu Tịnh, cô luôn than rằng không hiểu sao sự bận rộn của chồng luôn đến tình cờ như vậy.
Trước đây khi chồng không phải làm việc nhà, anh không tăng ca ở cơ quan. Nhưng khi vợ yêu cầu làm việc nhà, chồng đột nhiên phải làm thêm giờ. Khi Tiểu Tịnh làm mọi việc trong nhà, chồng không quan tâm tới các con. Nhưng khi yêu cầu rửa bát và lau nhà, anh nói rằng đang bận trông lũ trẻ.
Tiểu Tịnh ban đầu là cô gái dịu dàng, nhỏ nhẹ và chưa bao giờ cáu gắt với ai. Tuy nhiên trong điện thoại, chồng lưu tên cô là "Hổ cái".
Tôi tin Tiểu Tịnh không muốn phát điên, nhưng cô ấy phải làm việc ở công ty cả ngày, tối về lại dọn dẹp và chăm con. Một người vừa làm công việc của nhân viên bán hàng, bảo mẫu, y tá và dọn dẹp như cô ấy, chẳng có gì khó hiểu khi không thể duy trì tính khí mềm mỏng vốn có.
Cho tới một ngày, Tiểu Tịnh không chịu nổi được chồng nữa, cô đề cập đến việc ly hôn.
"Sự sụp đổ một mối quan hệ rất dễ dàng. Chỉ cần người vợ làm việc nhà thêm một giờ đồng hồ và gấp đôi thời gian đó để trông con, đổ vỡ sẽ diễn ra nhanh chóng", cô thở dài.
Nhiều người cho rằng làm việc nhà và chăm sóc con cái là những việc dễ dàng.
Thực tế, chỉ khi trực tiếp nấu cháo hàng sáng và thay tã cho trẻ vào ban đêm, bạn mới hiểu để duy trì cuộc sống gia đình tử tế khó khăn đến nhường nào.
Làm việc nhà không phải là một nhiệm vụ đơn giản. Ngược lại nó là tổng hợp của việc quản lý tài chính, thời gian, lập kế hoạch tổng thể và sức chịu đựng tâm lý của người thực hiện.
Rửa chén hay thái rau trước? Giặt quần áo hay lau sàn trước? Khi nào nên cho con bú? Khi nào phải thay tã hay đưa trẻ đi tè? Làm thế nào để sắp xếp công việc nhà một cách có trật tự mà không làm xáo trộn việc khác?
Nếu là một phụ nữ siêng năng làm việc nhà, tôi tin kinh nghiệm của bạn có thể viết thành sách. Nếu mỗi gia đình là một công ty, người vợ chắc chắn là CEO của công ty này. Và những việc người chồng đang phải làm như rửa chén bát hay giặt quần áo thì họ giống như công nhân hiệu suất kém chờ bị đuổi việc.
Có một câu chuyện có thật mới đây trên Weibo khiến tôi ấn tượng. Một người vợ vắng nhà, yêu cầu chồng phơi quần áo và rửa chén bát. Cuối ngày, áo ướt được treo trong mắc nhà tắm, còn quần vẫn nguyên trong máy giặt. Yêu cầu rửa bát thì chỉ có bát được rửa, đĩa và thìa vẫn ngâm trong bồn suốt một ngày.
Trong bộ phim nổi tiếng Hollywood "The Kramers" (Gà trống nuôi con), người vợ tên Joanna trở thành bà nội trợ toàn thời gian sau khi kết hôn. Rửa bát nấu cơm, chăm sóc con cái... một mình Joanna phải làm trong thái độ hờ hững của chồng. Cuối cùng cô đã bỏ nhà đi sau thời gian dài buồn bã và chán nản.
Vào ngày đầu tiên vợ rời đi, chồng cô - Ted Krame - bị con trai đánh thức dậy. Trước một loạt công việc như nấu ăn, rửa bát, giặt quần áo, người đàn ông này cười khẩy nói: "Đơn giản".
Nhưng Ted Kramer đã không thể tìm thấy cái nồi trong bếp hay cách để nướng bánh mì. Thậm chí ông còn không biết con mình đang học lớp mấy và cuối cùng bị sa thải vì luôn đi làm muộn.
Sau một vài ngày thay thế vị trí của vợ, Ted Kramer mới hiểu rằng những buổi sáng được tổ chức rất tốt trước đây vốn dĩ không sẵn có như vậy. Nó được đánh đổi bằng sự tận tụy và hy sinh trong im lặng của người vợ.
Các ông bố không làm việc nhà, không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng mà còn ảnh hưởng tới hạnh phúc của con cái.
Đại học British Columbia, Canada từng tiến hành một nghiên cứu: Quan sát 326 trẻ em từ 7 đến 10 tuổi và cha mẹ của chúng để xem cách lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Kết quả thật đáng ngạc nhiên.
Những cô con gái có cha không bao giờ làm việc nhà sẽ có khái niệm bất bình đẳng giữa nam và nữ khi chọn nghề. Chúng chỉ dám chọn những nghề truyền thống dành cho phái nữ như y tá hay nội trợ.
Còn những đứa trẻ có cha mẹ chia sẻ công việc nhà và chăm sóc con cái, con gái sẽ không bị ràng buộc bởi suy nghĩ giới tính khi chọn nghề. Chúng dám thách thức các nghề nghiệp truyền thống của nam giới như sĩ quan quân đội hay CEO.
"Người cha làm việc nhà càng nhiều, sự lựa chọn nghề nghiệp của con gái càng táo bạo và đa dạng hơn", kết luận của British Columbia sau nghiên cứu.
Nói cách khác, nếu người cha không chỉ đặt bình đẳng giới làm khẩu hiệu mà thực hiện nó mỗi ngày, trẻ sẽ dễ dàng được truyền cảm hứng về giá trị bình đẳng giới. Từ đó chúng có sự đa dạng hóa trong lựa chọn nghề nghiệp, làm cho tương lai nhiều màu sắc hơn.
Đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc từng 3 lần đoạt giải Oscar Lý An từng nói: "Trong gia đình tôi vừa làm chồng vừa làm cha. Điều đó không có nghĩa tôi tự nhiên nhận được sự tôn trọng của người thân. Để có được điều này, tôi phải đáp ứng được một tiêu chuẩn: Đó là tôn trọng và quan tâm tới họ".
Ngay cả sau khi thành danh, vị đạo diễn này vẫn thường xuyên cùng vợ đi chợ mỗi khi rảnh rỗi. Một người bạn biết chuyện đã trách cứ vợ của Lý An "Chồng cô nổi tiếng thế, ai lại đi chợ cùng vợ". Nghe xong, bà Lý chỉ mỉm cười: "Cô sai rồi. Tôi đã dành thời gian để đi chợ cùng ông ấy đó chứ".
Thực tế, ngoài công việc thường ngày, Lý An còn dành nhiều thời gian để quán xuyến việc nhà cùng vợ như nấu ăn và chăm sóc con cái. Ông luôn tự hào rằng đó là niềm vui cũng như bổn phận của mình.
Theo vị đạo diễn này, một người đàn ông thực sự tốt không giúp vợ làm việc nhà. Bởi việc nhà nên được chia sẻ, không nên tồn tại hai chữ 'giúp đỡ' trong đó.
Từ thuở thơ ấu cho đến khi trưởng thành, trong trí nhớ của Lý An, bố luôn là người đeo tạp dề trong bếp nấu ăn, rửa bát cho mọi người trong gia đình.
Gia đình ông khi đó dù bố mẹ bận rộn công việc riêng nhưng họ vẫn chia nhau làm việc nhà theo ca kíp.
"Nếu bố bận việc riêng vào tuần tới, ông sẽ làm thêm việc nhà trong tuần này. Với mẹ, bà cũng làm tương tự như vậy, không so đo, tính toán thiệt hơn", vị đạo diễn nhớ lại.
Bởi vậy ở gia đình ông, không phải bố giúp mẹ làm việc nhà mà hai người cùng giúp đỡ lẫn nhau. Ai có thời gian sẽ làm nhiều hơn. Họ không tìm kiếm sự cào bằng mà luôn hỗ trợ nhau, giúp cân bằng cuộc sống. Bởi vậy họ rất hiếm khi cãi nhau về những chuyện mà mọi người hay gọi là nhỏ nhặt.
Bố Lý An thường nói rằng, để có được mối quan hệ gia đình tốt, đừng so bì ai làm nhiều hơn, ai làm ít hơn. Nó không giống như quan hệ chủ tớ, rằng trách nhiệm của người vợ là phải chăm sóc con cái, rửa bát và nấu ăn.
"Cụm từ 'giúp đỡ làm việc nhà' trong tiềm thức đã coi việc nhà là trách nhiệm của phụ nữ, thay vì nghĩa vụ gia đình cũng là của người chồng", bố ông từng nói.
Bài viết của tác giả Kai Shu đăng trên một diễn đàn dành cho vợ chồng tại Trung Quốc
Theo Hải Hiền
sina/VnExpress
0 nhận xét:
Đăng nhận xét